Khóc, cười với phụ cấp thâm niên

22/01/2014 15:13 PM

Cũng làm công tác giáo dục nhưng có người được nhận phụ cấp thâm niên, có người lại “không thuộc diện được nhận”.

“Tôi có 13 năm làm công tác quản lý trong số 37 năm 11 tháng phục vụ trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, trong 13 năm đó, thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT, mỗi tuần tôi vẫn đứng lớp dạy 4 tiết và không bỏ một tiết dạy nào. Vậy mà bây giờ Bảo hiểm xã hội TP.HCM nói rằng khi nghỉ hưu tôi là phó hiệu trưởng chứ không phải giáo viên nên tôi không thuộc diện được nhận phụ cấp thâm niên” - cô Nguyễn Thị Kim Hoa, nguyên phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM, phản ảnh.

Không được nhận vì là... cán bộ quản lý

Đối tượng được xét phụ cấp thâm niên

Quyết định số 52/2013 của Thủ tướng Chính phủ (về chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu) ghi rõ (điều 2): “Nhà giáo nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm, tàu huấn luyện của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học công lập (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục công lập)”.

Tương tự, cô Hoàng Kim Nhung, nguyên phó hiệu trưởng Trường THCS Trương Công Định, quận Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết: “Tôi có thâm niên 34 năm. Trong đó 24 năm làm giáo viên, 10 năm làm công tác quản lý nên bị gạt ra khỏi tiêu chuẩn nhận phụ cấp thâm niên. Chúng tôi nghỉ hưu trước thời điểm 31-5-2011 thì không được nhưng các cán bộ quản lý nghỉ hưu sau thời gian này lại được nhận phụ cấp thâm niên. Vậy công bằng ở đâu? Chẳng lẽ những người nghỉ hưu trước đó không đóng góp gì cho ngành hay sao?”.

Trao đổi với chúng tôi, cô Trịnh Thị Thanh Bình, nguyên hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Minh Hoàng, Q.11, TP.HCM, tỏ ra thất vọng: “Không chỉ mình tôi mà rất nhiều thầy cô hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học, THCS ở quận 11 đều cảm thấy buồn lòng và hụt hẫng. Trước khi làm cán bộ quản lý, chúng tôi đều từng làm giáo viên. Mà phải là giáo viên vững tay nghề, có uy tín mới lên phó hiệu trưởng hay hiệu trưởng”.

Cô Bình nhận định: “Tôi có cảm giác cơ quan tham mưu cho Thủ tướng ký quyết định 52 chưa hiểu thấu đáo nội tình ngành giáo dục. Trên thực tế, trách nhiệm của cán bộ quản lý nặng nề hơn giáo viên rất nhiều. Chưa kể Bộ GD-ĐT đã ban hành quy định: hiệu trưởng phải đứng lớp dạy tối thiểu 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng phải đứng lớp dạy tối thiểu 4 tiết/tuần. Do vậy, không thể nói chúng tôi không trực tiếp giảng dạy”. Không những thế, trong thời kỳ khó khăn, đã có rất nhiều thầy cô hiệu trưởng phải choàng gánh ở những bộ môn thiếu giáo viên. Như cô Thanh Bình, có nhiều năm cô trực tiếp giảng dạy đến 12 tiết/tuần do nhà trường thiếu giáo viên môn ngữ văn.

Thiệt thòi giáo viên bán công

“Tôi bắt đầu đi dạy từ năm 1975, đến năm 2000 nghỉ hưu. Bây giờ đã lớn tuổi rồi, lương hưu chẳng bao nhiêu. Thế nên khi nghe có khoản phụ cấp thâm niên, chị em giáo viên chúng tôi mừng lắm. Gửi hồ sơ đi và thấp thỏm chờ lĩnh một khoản tiền kha khá để ăn tết. Ngày 16-1 vừa rồi, bên bảo hiểm trả hồ sơ vì chúng tôi là giáo viên trường bán công, không thuộc diện được xét đợt này” - cô Trần Thị Ngọc Sương, nguyên giáo viên môn địa lý Trường THCS Trương Công Định, quận Bình Thạnh, TP.HCM tâm sự.

Cô Sương nói rằng giáo viên đâu ai muốn trường mình trở thành trường bán công: “Khi đang là trường công lập, thực hiện chủ trương xã hội hóa của Nhà nước, trường chúng tôi bị chuyển sang mô hình bán công. Thời ấy, “đầu vào” của trường bán công luôn luôn thấp hơn trường công lập, giáo viên chúng tôi rất vất vả. Vậy mà bây giờ Nhà nước “trả công” chúng tôi như thế này đây” - giọng cô Sương bùi ngùi.

Cùng chung sự bức xúc, một giáo viên Trường THCS Bạch Đằng, quận 3 phân tích: “Trường bán công cũng là trường của Nhà nước. Giáo viên chúng tôi vẫn hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì tại sao lại phân biệt đối xử?”.

Theo cô Phạm Thị Huệ, nguyên hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, quận 3: “Trường Bạch Đằng trước đây là trường công lập. Năm học 1991-1992 chuyển sang mô hình bán công. Đến năm 2005-2006 trường lại chuyển về mô hình công lập như cũ. Điều bất hợp lý là những giáo viên về hưu trong khi trường hoạt động theo mô hình công lập thì được hưởng phụ cấp thâm niên, còn những thầy cô theo mô hình bán công thì không được hưởng”.

Hoàng Hương

Theo Tuổi Trẻ

Chỉ vì cụm từ “đang trực tiếp giảng dạy”

Thật thú vị khi nghe thông tin bạn bè người này lĩnh 12, 13, 14 triệu... tiền phụ cấp thâm niên, đùa vui với nhau năm nay chắc là ăn tết lớn của nhà giáo nghỉ hưu đây. Lại nghe ở một số địa phương tính dồn thời gian trực tiếp đứng lớp, trừ khoảng thời gian không đứng lớp nên ít nhiều ai cũng có, còn mình thì... tết sắp đến rồi, nghe lòng chơ vơ và tẻ lạnh hòa cùng khí trời. Tiền phụ cấp thâm niên cho giáo viên nghỉ hưu không quá lớn (xem chừng khoảng ba tháng lương hưu), nhưng cũng không quá nhỏ trong dịp xuân về, món quà kỷ niệm một đời tâm huyết với nghề giáo. Sao có người vui, kẻ buồn?

Học sinh khi thi vào đại học được cộng điểm ưu tiên nếu là học sinh giỏi, vậy mà có những giáo viên cống hiến có nhiều thành tích, nhiều bằng khen, cán bộ lãnh đạo giỏi, giáo viên dạy giỏi, thế mà không được nhận tiền phụ cấp thâm niên chỉ vì cụm từ “đang trực tiếp giảng dạy”. Người soạn văn bản cho Thủ tướng ký không ghi rõ thâm niên nghề hay là thâm niên đứng lớp nên mới diễn ra chuyện người vui, kẻ buồn với cụm từ này. Cách làm này không phủ định biện chứng mà phủ định sạch trơn mọi cống hiến của nhà giáo...

Mỗi người mỗi cảnh, mỗi người có cống hiến khác nhau, nhưng tôi mong rằng bài viết này một lần nữa chia sẻ tâm tư với tất cả đồng nghiệp không nhận được tiền thâm niên bằng một lời thông cảm sâu sắc nhất. Hi vọng rằng tôi nói lên tâm trạng mình như tiếp lửa cùng đồng nghiệp, mong niềm vui của chúng ta là đã đưa nhiều thế hệ học sinh qua sông được thành đạt. Niềm vui đó cao hơn tiền phụ cấp thâm niên! Cứ an ủi vậy đi.

Cothanh1155@...
(Cựu giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP Mỹ Tho, Tiền Giang)

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,497

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079