Đề án chính quyền đô thị TP HCM sắp được trình Quốc hội

18/02/2014 08:15 AM

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày 13/3, Đề án chính quyền đô thị TP HCM sẽ được báo cáo với Bộ Chính trị trước khi trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn.

Báo cáo với đoàn làm việc của Chính phủ tại hội nghị thông qua Dự thảo đề án chính quyền đô thị TP HCM được tổ chức sáng 17/2, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân cho biết, so với nội dung đề án trước đây, lần này thành phố đã có điều chỉnh, bổ sung và cập nhật mới theo Hiến pháp sửa đổi năm 2013 và góp ý của các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học cùng các tầng lớp nhân sĩ trí thức.


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với lãnh đạo TP HCM tại hội nghị thông qua dự thảo Chính quyền đô thị TP HCM sáng 17/2. Ảnh: Hữu Công

Theo đó, chính quyền đô thị TP HCM là hình thức chính quyền địa phương tại một đô thị đặc biệt được tổ chức phù hợp với đặc điểm phát triển và tính chất yêu cầu hợp lý của từng địa bàn (địa bàn đã phát triển, địa bàn đang đô thị hóa và địa bàn nông thôn). Chính quyền TP HCM có HĐND và UBND được tổ chức 2 cấp (theo quy định hiện hành là 3 cấp) gồm cấp thành phố trực thuộc trung ương và cấp cơ sở. Chính quyền cấp cơ sở bao gồm cấp xã, thị trấn và thành phố trực thuộc.

Trong đó, Chính quyền TP HCM trực thuộc Trung ương có HĐND và UBND, được thành lập từ địa bàn đang đô thị hóa là 6 quận và 2 huyện (tạm gọi là thành phố Đông, Tây, Nam, Bắc). Đây là một cấp chính quyền hoàn chỉnh có HĐND và UBND. Dưới thành phố trực thuộc là các đơn vị hành chính phường không có HĐND mà chỉ có UBND. Các đơn vị hành chính quận ở địa bàn 13 quận nội thành hiện hữu cũng tương tự, dưới quận có các đơn vị hành chính phường.

Các đơn vị hành chính ở 3 huyện còn lại trên địa bàn nông thôn cũng không có HĐND, chỉ có UBND. Dưới đơn vị hành chính là các xã, thị trấn được tổ chức thành cấp chính quyền hoàn chỉnh có HĐND và UBND.

Về tên gọi cơ quan hành chính, ở đề án trước đây TP HCM đề nghị nơi nào có HĐND thì gọi là UBND, còn lại gọi là Ủy ban Hành chính. Tuy nhiên, ở lần chỉnh sửa này, thành phố đề nghị thống nhất tên UBND như ý kiến góp ý của Bộ Nội vụ.

Ngoài ra, vì 13 quận cũ ở nội thành không tổ chức HĐND, TP HCM kiến nghị Trung ương cho phép tăng số lượng đại biểu HĐND TP từ 95 lên 200 (trong đó khoảng 35% là đại biểu chuyên trách) để tổ chức các Đoàn (hoặc tổ) đại biểu HĐND TP ở các quận này nhằm tăng cường vai trò dân chủ đại diện của nhân dân và vai trò giám sát của HĐND ở địa bàn không tổ chức HĐND.


Mô hình chính quyền đô thị được cho là sẽ giúp TP HCM phát triển nhanh và mạnh hơn, đóng góp ngân sách cho Trung ương ngày càng lớn. Ảnh: Hữu Công

Về tên gọi 4 khu đô thị mới Đông, Tây, Nam, Bắc trực thuộc, TP HCM kiến nghị Chính phủ vẫn giữ nguyên tên gọi là "thành phố" vì là đơn vị hành chính tương đương quận, huyện và thị xã cũng như thành phố trực thuộc tỉnh phù hợp với Hiến pháp sửa đổi năm 2013 (Điều 110, Chương IX). Đồng thời, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép thành lập 4 thành phố trực thuộc để đảm bảo công tác bầu cử nhiệm kỳ 2016 - 2021 các thành phố này sẽ tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, thực hiện cơ cấu chính quyền có đầy đủ HĐND và UBND.

Theo người đứng đầu chính quyền Thành phố, việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị là vấn đề mới lần đầu đặt ra ở nước ta. Một số nội dung trong mô hình tổ chức chính quyền đô thị không phù hợp với một số điều khoản của Hiến pháp sửa đổi năm 2013 và một số văn bản luật hiện hành khác. "Do đó, trong khi chờ sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới một số luật theo Hiến pháp sửa đổi năm 2013, xây dựng Luật chính quyền địa phương và để đảm bảo đúng tiến độ đề án, TP HCM kiến nghị Chính phủ thông qua đề án, trình Quốc hội cho phép tổ chức thí điểm chính quyền đô thị TP HCM", Chủ tịch Lê Hoàng Quân nói.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án Thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị, đánh giá Đề án mà TP HCM đã trình bày rất công phu, kĩ lưỡng dù đây là một vấn đề rất mới và phức tạp. "Với tinh thần là một đô thị lớn, có vị trí quan trọng đặc biệt ở phía Nam và trong phạm vi phát triển của đất nước nên việc tổ chức một chính quyền đô thị là phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại", Phó Thủ tướng nói. Ông cũng cho biết sau hội nghị này Chính phủ sẽ có một cuộc họp cuối về đề án này trước khi báo cáo Bộ Chính trị vào ngày 13/3 và trình Quốc hội xem xét.

Hữu Công

Theo Vnexpress.net

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,680

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079