Những điểm mới về hóa đơn điện tử từ 01/6/2025

23/05/2025 09:05 AM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về những điểm mới về hóa đơn điện tử từ 01/6/2025.

Những điểm mới về hóa đơn điện tử từ 01/6/2025 (Hình từ internet)

Ngày 20/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Trong đó có nhiều thay đổi mới liên quan đến hoá đơn điện tử.

1. Bổ sung đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền

Căn cứ theo khoản 8 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 11 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền bao gồm:

1. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 51 có mức doanh thu hằng năm từ 01 tỷ đồng trở lên, khoản 2 Điều 90, khoản 3 Điều 91 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và doanh nghiệp có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trong đó có bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng (trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác); ăn uống; nhà hàng; khách sạn; dịch vụ vận tải hành khách, dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường bộ, dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí, hoạt động chiếu phim, dịch vụ phục vụ cá nhân khác theo quy định về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam) sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

Như vậy, các đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền gồm:

- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 01 tỷ đồng/năm trở lên.

- Doanh nghiệp có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng, bao gồm:

+ Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác);

+ Cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn;

+ Dịch vụ vận tải hành khách, hỗ trợ vận tải đường bộ;

+ Dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí, chiếu phim, dịch vụ phục vụ cá nhân khác theo quy định ngành kinh tế.

Các đối tượng này phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và kết nối, chuyển dữ liệu trực tiếp đến cơ quan thuế theo quy định.

2. Bổ sung thêm các trường hợp ngừng sử dụng hóa đơn điện tử

Căn cứ khoản 12 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 16 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về các trường hợp ngừng sử dụng hóa đơn điện tử.

Theo đó, ngoài 07 trường hợp ngừng sử dụng hóa đơn điện tử đã được quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, từ ngày 01/6/2025 bổ sung một số trường hợp ngừng sử dụng hóa đơn điện tử như sau:

(1) Người nộp thuế tạm ngừng sử dụng hóa đơn điện tử theo văn bản gửi cơ quan thuế; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chuyển đổi phương pháp từ kê khai sang phương pháp khoán hoặc nộp thuế theo từng lần phát sinh theo thông báo của cơ quan thuế;

(2) Có hành vi lập hóa đơn điện tử phục vụ mục đích bán khống hàng hóa, cung cấp dịch vụ bị cơ quan chức năng khởi tố; cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án có văn bản đề nghị cơ quan thuế ngừng sử dụng hóa đơn điện tử;

(3) Cơ quan chức năng phát hiện và thông báo cho cơ quan thuế người nộp thuế có hành vi vi phạm pháp luật về thuế và hóa đơn;

(4) Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có thay đổi ngành nghề kinh doanh dẫn đến không đáp ứng điều kiện sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền thì cơ quan thuế ra thông báo người nộp thuế ngừng sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

(5) Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu cơ quan thuế xác định doanh nghiệp có hành vi trốn thuế, doanh nghiệp được thành lập để thực hiện mua bán, sử dụng hóa đơn điện tử không hợp pháp hoặc sử dụng không hợp pháp hóa đơn điện tử để trốn thuế theo quy định thì cơ quan thuế ban hành thông báo ngừng sử dụng hóa đơn điện tử; doanh nghiệp bị xử lý theo quy định.

(6) Người nộp thuế có hành vi trốn thuế; người nộp thuế thuộc diện rủi ro rất cao theo mức độ rủi ro người nộp thuế thì cơ quan thuế thực hiện ngừng sử dụng hóa đơn điện tử.

3. Bỏ quy định huỷ hoá đơn điện tử đã lập sai

Tại khoản 13 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về xử lý hóa đơn điện tử có sai sót. 

Hiện hành, Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định trường hợp người bán phát hiện hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót thì người bán hủy hóa đơn đã lập sai và lập hóa đơn mới.

Tuy nhiên, theo quy định mới, Nghị định 70/2025/NĐ-CP không yêu cầu hủy hóa đơn điện tử khi phát hiện sai sót, mà thay vào đó, có các phương án để điều chỉnh hoặc thay thế hóa đơn điện tử đã lập sai. Cụ thể: 

Trường hợp phát hiện hóa đơn điện tử đã lập sai (bao gồm hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế, hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế đã gửi dữ liệu đến cơ quan thuế) thì người bán thực hiện xử lý như sau:

(1) Trường hợp có sai về tên, địa chỉ của người mua

Trường hợp có sai về tên, địa chỉ của người mua nhưng không sai mã số thuế, các nội dung khác không sai thì người bán thông báo cho người mua về việc hóa đơn đã lập sai và không phải lập lại hóa đơn. Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế về hóa đơn điện tử đã lập sai theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

(2) Trường hợp sai sót về mã số thuế, số tiền, thuế suất, hoặc hàng hóa:

Trường hợp có sai: mã số thuế; sai về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì có thể lựa chọn điều chỉnh hoặc thay thế hóa đơn điện tử như sau:

- Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập sai.

Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập sai phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.

- Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử lập sai.

Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập sai phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.

Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới điều chỉnh hoặc thay thế cho hóa đơn điện tử đã lập sai sau đó người bán gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế) hoặc gửi cơ quan thuế để cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn điện tử mới để gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế).

Trường hợp trong tháng người bán đã lập sai cùng thông tin về người mua, tên hàng, đơn giá, thuế suất trên nhiều hóa đơn của cùng một người mua trong cùng tháng thì người bán được lập một hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế cho nhiều hóa đơn điện tử đã lập sai trong cùng tháng và đính kèm bảng kê các hóa đơn điện tử đã lập sai theo Mẫu số 01/BK-ĐCTT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

Trước khi điều chỉnh, thay thế hóa đơn điện tử đã lập sai theo quy định tại điểm b khoản này, đối với trường hợp người mua là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thì người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận ghi rõ nội dung sai; trường hợp người mua là cá nhân thì người bán phải thông báo cho người mua hoặc thông báo trên website của người bán (nếu có). Người bán thực hiện lưu giữ văn bản thỏa thuận tại đơn vị và xuất trình khi có yêu cầu.

Lưu ý: Đối với ngành hàng không thì hóa đơn đổi, hoàn chứng từ vận chuyển hàng không được coi là hóa đơn điều chỉnh mà không cần có thông tin “Điều chỉnh tăng/giảm cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... ngày... tháng... năm”. Doanh nghiệp vận chuyển hàng không được phép xuất hóa đơn của mình cho các trường hợp hoàn, đổi chứng từ vận chuyển do đại lý xuất.

4. Bổ sung loại hoá đơn thương mại điện tử

- Điểm a khoản 5 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP đã bổ sung điểm đ vào khoản 1 Điều 8 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn giá trị gia tăng dành cho các tổ chức khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sử dụng cho hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số và các dịch vụ khác của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.

- Điểm c khoản 5 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP đã bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 8 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn thương mại điện tử như sau: 

Hóa đơn thương mại điện tử là hóa đơn áp dụng đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân (người xuất khẩu) có hoạt động xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài mà người xuất khẩu đáp ứng điều kiện chuyển dữ liệu hóa đơn thương mại bằng phương thức điện tử đến cơ quan thuế. Hóa đơn thương mại điện tử đáp ứng quy định về nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP) và quy định về định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định 123/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP). 

Trường hợp người xuất khẩu không đáp ứng điều kiện chuyển dữ liệu hóa đơn thương mại bằng phương thức điện tử đến cơ quan thuế thì lựa chọn lập hóa đơn giá trị gia tăng điện tử hoặc hóa đơn bán hàng điện tử.

5. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được ủy nhiệm cho bên thứ ba lập hóa đơn điện tử

Từ ngày 01/06/2025 đối tượng người bán được ủy nhiệm cho bên thứ ba lập hoá đơn điện tử được mở rộng bao gồm hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.

Hiện hành: Chỉ quy định người bán là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được ủy nhiệm cho bên thứ ba lập hóa đơn (bên thứ ba là bên có quan hệ liên kết với người bán).

(Khoản 7 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP)

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 336

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079