Hướng dẫn xác định kỳ kế toán cuối cùng của đơn vị kế toán kết thúc hoạt động (Công văn 6196) (Hình từ internet)
Ngày 09/05/2025, Bộ Tài chính ban hành Công văn 6196/BTC-QLKT hướng dẫn bổ sung Công văn 1010/BTC-QLKT năm 2025 về công việc kế toán khi tổ chức thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Để đảm bảo thống nhất khi tổ chức thực hiện, phù hợp với pháp luật về kế toán và các yêu cầu quản lý có liên quan, Bộ Tài chính hướng dẫn xác định kỳ kế toán cuối cùng của đơn vị kế toán kết thúc hoạt động như sau:
- Đối với các đơn vị phải lập báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động theo quy định tại Thông tư 24/2024/TT-BTC ngày 17/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp
Theo hướng dẫn tại điểm c mục 1 phần I Phụ lục I kèm theo Công văn 1010/BTC-QLKT, đơn vị xem xét xác định kỳ kế toán cuối cùng phù hợp với yêu cầu quyết toán NSNN, thời điểm bàn giao và tình hình thực tế.
Do đó đối với các đơn vị phải lập báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động theo quy định của chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp thì kỳ kế toán cuối cùng của đơn vị đó phải được xác định theo quy định tại điểm a mục 1 phần I Phụ lục I kèm theo Công văn 1010/BTC-QLKT (tính từ ngày 01/01 năm sắp xếp đến hết ngày trước ngày quyết định sắp xếp, tinh gọn bộ máy có hiệu lực thi hành).
- Đối với các đơn vị còn lại (các đơn vị không phải lập báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động theo quy định của chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp)
Tùy vào tình hình thực tế, các đơn vị có thể lựa chọn kỳ kế toán cuối cùng theo điểm a hoặc điểm b mục 1 phần I Phụ lục I kèm theo Công văn 1010/BTC-QLKT. Trường hợp đơn vị lựa chọn kéo dài kỳ kế toán cuối cùng theo điểm b mục 1 phần I Phụ lục I kèm theo Công văn 1010/BTC-QLKT cần đảm bảo kỳ kế toán năm cuối cùng phải không quá 15 tháng theo quy định của pháp luật về kế toán.
Trường hợp đơn vị lựa chọn kéo dài kỳ kế toán năm, thì các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh vẫn phải đảm bảo việc ghi sổ kế toán theo trình tự thời gian phát sinh thực tế của nghiệp vụ kinh tế, tài chính (không được hạch toán các nghiệp vụ phát sinh trong các tháng 1, 2, 3 năm sau vào ngày 31/12 năm trước).
Ví dụ: Đơn vị xác định kỳ kế toán năm cuối cùng là kỳ kế toán năm 2024 (kéo dài tính từ 01/01/2024 đến hết ngày 31/3/2025), thì khi ghi sổ các nghiệp vụ phát sinh thuộc tháng 1, 2, 3/2025, đơn vị phải hạch toán theo đúng thời điểm nghiệp vụ phát sinh (trong tháng 1, 2, 3/2025) trên sổ kế toán; tuyệt đối không được ghi sổ các nghiệp vụ này vào ngày 31/12/2024, vì trường hợp này là kéo dài niên độ kế toán năm 2024 (gồm 15 tháng) chứ không phải kéo dài ngày 31/12/2024.
Theo Điều 12 Luật Kế toán 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2024) quy định về kỳ kế toán như sau:
(1) Kỳ kế toán gồm kỳ kế toán năm, kỳ kế toán quý, kỳ kế toán tháng và được quy định như sau:
- Kỳ kế toán năm là 12 tháng, tính từ đầu ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 năm dương lịch. Đơn vị kế toán có đặc thù về tổ chức, hoạt động được chọn kỳ kế toán năm là 12 tháng tròn theo năm dương lịch, bắt đầu từ đầu ngày 01 tháng đầu quý này đến hết ngày cuối cùng của tháng cuối quý trước năm sau và phải thông báo cho cơ quan tài chính, cơ quan thuế;
- Kỳ kế toán quý là 03 tháng, tính từ đầu ngày 01 tháng đầu quý đến hết ngày cuối cùng của tháng cuối quý;
- Kỳ kế toán tháng là 01 tháng, tính từ đầu ngày 01 đến hết ngày cuối cùng của tháng.
(2) Kỳ kế toán của đơn vị kế toán mới được thành lập được quy định như sau:
- Kỳ kế toán đầu tiên của doanh nghiệp mới được thành lập tính từ đầu ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đến hết ngày cuối cùng của kỳ kế toán năm, kỳ kế toán quý, kỳ kế toán tháng theo quy định tại khoản (1);
- Kỳ kế toán đầu tiên của đơn vị kế toán khác tính từ đầu ngày quyết định thành lập đơn vị kế toán có hiệu lực đến hết ngày cuối cùng của kỳ kế toán năm, kỳ kế toán quý, kỳ kế toán tháng theo quy định tại khoản (1).
(3) Đơn vị kế toán khi bị chia, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình hoặc hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản thì kỳ kế toán cuối cùng tính từ đầu ngày kỳ kế toán năm, kỳ kế toán quý, kỳ kế toán tháng theo quy định tại khoản (1) đến hết ngày trước ngày quyết định chia, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình hoặc hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản đơn vị kế toán có hiệu lực.
- Trường hợp kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng có thời gian không quá 03 kỳ kế toán tháng liên tiếp thì được phép cộng với kỳ kế toán năm tiếp theo hoặc cộng với kỳ kế toán năm trước đó để tính thành một kỳ kế toán năm; kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng phải không quá 15 tháng.