Trường hợp phải nộp và không phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước từ 01/7/2024 (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Ngày 16/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Theo Điều 42 Nghị định 54/2024/NĐ-CP quy định trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước như sau:
Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước thuộc trường hợp phải cấp phép khai thác nước mặt, nước dưới đất phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong các trường hợp sau đây:
- Khai thác nước mặt để phát điện có mục đích thương mại.
- Khai thác nước mặt, nước dưới đất để phục vụ hoạt động sản xuất (bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt), kinh doanh, dịch vụ, cấp cho nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, cấp cho sinh hoạt.
Trường hợp không phải nộp, miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được quy định tại Điều 43 Nghị định 54/2024/NĐ-CP như sau:
- Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước không phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 69 và khoản 3 Điều 86 Luật Tài nguyên nước 2023.
- Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước được miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 69 Luật Tài nguyên nước 2023.
Đối với dự án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 69 Luật Tài nguyên nước 2023 thì chủ dự án phải nộp văn bản bảo lãnh để chứng minh căn cứ miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định kèm theo hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước.
- Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước được giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 69 Luật Tài nguyên nước 2023.
Căn cứ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được quy định tại Điều 44 Nghị định 54/2024/NĐ-CP như sau:
- Mục đích sử dụng nước, gồm:
+ Sản xuất thủy điện;
+ Kinh doanh, dịch vụ;
+Sản xuất (bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt);
+ Nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản;
+ Sinh hoạt.
- Loại nguồn nước khai thác gồm: nước mặt, nước dưới đất.
- Chất lượng của nguồn nước: được xác định theo phân vùng chất lượng nước hoặc phân vùng chức năng nguồn nước trong các quy hoạch về tài nguyên nước theo pháp luật về quy hoạch hoặc quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; trường hợp chưa có quy hoạch hoặc trong quy hoạch chưa phân vùng thì căn cứ vào chất lượng thực tế của nguồn nước khai thác.
- Điều kiện khai thác:
+ Đối với nước mặt xác định theo khu vực nguồn nước mặt được khai thác;
+ Đối với nước dưới đất xác định theo loại hình công trình khai thác (giếng khoan, giếng đào, hố đào, hành lang, mạch lộ, hang động), trường hợp công trình là giếng khoan thì xác định theo chiều sâu khai thác.
- Quy mô khai thác:
+ Đối với khai thác nước cho thủy điện được xác định theo hồ sơ thiết kế;
+ Đối với trường hợp khai thác nước cho mục đích khác với quy định tại điểm a khoản này được xác định theo giấy phép khai thác tài nguyên nước và tỷ lệ cấp nước cho các mục đích sử dụng.
- Thời gian tính tiền được xác định trên cơ sở thời điểm bắt đầu vận hành công trình khai thác nước, thời điểm giấy phép bắt đầu có hiệu lực và thời hạn quy định trong giấy phép khai thác tài nguyên nước.
- Lượng nước khai thác (sản lượng).