Cho chó phóng uế bừa bãi trước nhà người khác có bị phạt không? (Hình từ internet)
Hiện nay việc nuôi thú cưng là chó mèo không còn là điều xa lạ mà vô cùng phổ biến đối với tất cả mọi người. Nhưng có nhiều chủ nuôi thú cưng có hành vi gây phiền hà cho người khác. Điển hình việc nuôi chó mèo nhưng mỗi lần chó mèo đi vệ sinh lại thả ra ngoài và cho phóng uế trên đường, trước nhà người khác,… Điều này tạo ra hình ảnh thiếu văn minh, đồng thời kèm theo những vi phạm pháp luật mà nhiều chủ vật nuôi chưa nhận biết.
Thông thường hiện nay, hành vi phóng uế của của chó mèo sẽ đi kèm với những hành vi như thả rông, không rọ mõm động vật. Có lẽ đây là thói quen từ trước của rất nhiều chủ của động vật nuôi vì sự chủ quan và thiếu hiểu biết.
Luật Giao thông Đường bộ 2008 có quy định người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ phải để súc vật đi sát mép đường, đảm bảo vệ sinh trên đường…Qua đó, việc cho chó phóng uế trên đường bộ cũng đã vi phạm pháp luật vì không đảm bảo vệ sinh chung.
Theo điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì trường hợp không đủ dụng cụ đựng chất thải của chó mèo hoặc không dọn sạch chất thải của chó mèo thải ra đường, hè phố sẽ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ thì có thể bị phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng
Bên cạnh đó, việc cho chó phóng uế bừa bãi mà không trông coi, không rọ mõm còn có thể bị xử phạt về những hành vi liên quan. Cụ thể:
(1) Theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 04/2020/NĐ-CP), hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng có thể bị áp dụng mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Qua đó, việc cho chó phóng uế bừa bãi mà không trông quản và rọ mõm có thể bị xử phạt thêm về vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Ngoài ra, việc nuôi thú cưng cũng phải cần tiêm phòng vắc xin bệnh dại, nếu không sẽ gây nguy hiểm cho người xung quanh. Việc không tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng cũng sẽ bị xử phạt.
(2) Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng; để vật nuôi, cây trồng hoặc các vật khác xâm lấn lòng đường, vỉa hè, vườn hoa, sân chơi, đô thị, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị.
Như vậy, việc thả rông chó để cho chó đi vệ sinh bên ngoài nơi công cộng hay chạy xuống lòng đường có thể bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng đối với hành vi thả rông này.
Hiện nay, có nhiều trường hợp thả thú cưng để đi vệ sinh bên ngoài nhưng thực hiện không đúng quy định của pháp luật về quản lý động vật đã gây ra tai nạn cho người tham gia giao thông, trong trường hợp này chủ sở hữu đối với vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ khác nhau.
Cùng với đó, những thiệt hại do chó mèo gây ra chủ sở hữu phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Mặc dù pháp luật có quy định, nhưng trong thời gian qua, rất ít trường hợp bị xử phạt đối với hành vi phóng uế của chó mèo. Và những vấn đề này vẫn còn được giải quyết theo phương thức hòa giải là chính. Vì vậy, những người nuôi thú cưng cần nâng ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chung cho chính ta và cả những người xung quanh.
Nguyễn Hữu Hiệp