Hồ sơ, thủ tục thực hiện xác định mức độ khuyết tật với người khuyết tật mới nhất

15/05/2024 09:30 AM

Cho tôi hỏi hồ sơ và thủ tục thực hiện xác định mức độ khuyết tật với người khuyết tật như thế nào? - Kim Nhi (Bến Tre)

Hồ sơ, thủ tục thực hiện xác định mức độ khuyết tật với người khuyết tật mới nhất

Hồ sơ, thủ tục thực hiện xác định mức độ khuyết tật với người khuyết tật mới nhất (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Phương pháp xác định dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật với người khuyết tật

Phương pháp xác định dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật với người khuyết tật theo Điều 3 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH như sau:

- Phương pháp xác định mức độ khuyết tật thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Người khuyết tật 2010 (phương pháp quan sát trực tiếp người khuyết tật, thông qua thực hiện hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày, sử dụng bộ câu hỏi theo các tiêu chí về y tế, xã hội và các phương pháp đơn giản khác để kết luận mức độ khuyết tật đối với từng người khuyết tật).

Hội đồng quan sát trực tiếp người khuyết tật, thông qua thực hiện hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày, sử dụng bộ câu hỏi theo các tiêu chí về y tế, xã hội quy định tại Phiếu xác định mức độ khuyết tật ban hành kèm theo Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH và các phương pháp đơn giản khác để xác định dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật đối với từng người khuyết tật.

- Xác định dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật đối với trẻ em dưới 6 tuổi

Hội đồng căn cứ hồ sơ đề nghị xác định mức độ khuyết tật, sử dụng phương pháp xác định mức độ khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH; phỏng vấn người đại diện hợp pháp của trẻ em và sử dụng “Phiếu xác định mức độ khuyết tật đối với trẻ em dưới 6 tuổi” theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH (sửa đổi bởi khoản 5 Điều 2 Thông tư 08/2023/TT-BLĐTBXH) để xác định dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật.

Mẫu số 02

- Xác định dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật đối với người từ đủ 6 tuổi trở lên

Hội đồng căn cứ hồ sơ đề nghị xác định mức độ khuyết tật, sử dụng phương pháp xác định mức độ khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH, phỏng vấn người được xác định mức độ khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật và sử dụng “Phiếu xác định mức độ khuyết tật đối với người từ đủ 6 tuổi trở lên” theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH (sửa đổi bởi khoản 5 Điều 2 Thông tư 08/2023/TT-BLĐTBXH) để xác định dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật.

Mẫu số 03

2. Hồ sơ đề nghị xác định mức độ khuyết tật với người khuyết tật mới nhất 

Theo Điều 4 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH thì hồ sơ đề nghị xác định, xác định lại mức độ khuyết tật; cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật gồm:

(1) Đơn đề nghị xác định, xác định lại mức độ khuyết tật và cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH (sửa đổi bởi khoản 5 Điều 2 Thông tư 08/2023/TT-BLĐTBXH).

Mẫu số 01

(2) Bản sao các giấy tờ liên quan đến khuyết tật (nếu có) như: bệnh án, giấy tờ khám, điều trị, phẫu thuật, Giấy xác nhận khuyết tật cũ và các giấy tờ có liên quan khác.

(3) Bản sao kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động đối với trường hợp người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa trước ngày Nghị định 28/2012/NĐ-CP có hiệu lực (01/06/2012) hoặc các giấy tờ liên quan khác (nếu có).

(4) Trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 và điểm b khoản 2 Điều 8 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH thì không phải nộp các giấy tờ quy định tại (2) và (3) mục này.

3. Thủ tục thực hiện xác định mức độ khuyết tật với người khuyết tật mới nhất 

Thủ tục và trình tự thực hiện xác định, xác định lại mức độ khuyết tật với người khuyết tật theo Điều 5 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH (sửa đổi tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 08/2023/TT-BLĐTBXH) như sau:

- Khi có nhu cầu xác định, xác định lại mức độ khuyết tật thì người đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật làm hồ sơ tại mục 2 gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú theo quy định của pháp luật.

- Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của người đề nghị, Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm:

+ Gửi văn bản tham khảo ý kiến cơ sở giáo dục về tình trạng khó khăn trong học tập, sinh hoạt, giao tiếp và kiến nghị về dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật của người được xác định mức độ khuyết tật đang đi học theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH;

Mẫu số 04

+ Triệu tập các thành viên, gửi thông báo về thời gian và địa điểm xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ;

+ Tổ chức đánh giá dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật đối với người khuyết tật theo phương pháp quy định tại mục 1; lập hồ sơ, biên bản kết luận dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật.

Đối với trường hợp người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động trước ngày Nghị định 28/2012/NĐ-CP có hiệu lực (01/06/2012), Hội đồng căn cứ kết luận của Hội đồng giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 28/2012/NĐ-CP;

+ Biên bản họp Hội đồng ghi theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH (sửa đổi bởi khoản 5 Điều 2 Thông tư 08/2023/TT-BLĐTBXH).

Mẫu số 05

- Việc thực hiện xác định mức độ khuyết tật được tiến hành tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Trạm y tế. Trường hợp người khuyết tật không thể đến được địa điểm quy định trên thì Hội đồng tiến hành quan sát và phỏng vấn người khuyết tật tại nơi cư trú của người khuyết tật.

- Trường hợp Hội đồng không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật; người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng hoặc có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng không khách quan, chính xác thì Hội đồng chuyển hồ sơ lên Hội đồng Giám định y khoa theo quy định của pháp luật.


 

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,712

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079