14 nguyên tắc đặc thù để bảo vệ người chưa thành niên phạm tội (đề xuất)

08/06/2024 08:15 AM

Để đảm bảo sự công bằng, nhân đạo và giúp các em có cơ hội sửa đổi, tái hòa nhập cộng đồng, 14 nguyên tắc đặc thù để bảo vệ người chưa thành niên phạm tội đang được hoàn thiện.

14 nguyên tắc đặc thù để bảo vệ người chưa thành niên phạm tội (đề xuất)

14 nguyên tắc đặc thù để bảo vệ người chưa thành niên phạm tội (đề xuất) (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

14 nguyên tắc đặc thù để bảo vệ người chưa thành niên phạm tội (đề xuất)

Mới đây, Tòa án nhân dân tối cao vừa công bố Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, dự kiến sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 05/2024 để lấy ý kiến và sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

Theo đó, 14 nguyên tắc đặc thù để bảo vệ người chưa thành niên phạm tội bao gồm:

(1) Bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên

- Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

- Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và được Luật này quy định.

(2) Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện

Vụ án hình sự có người chưa thành niên tham gia tố tụng là người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng cần phải bảo đảm trình tự, thủ tục tố tụng thân thiên, đặc thù.

(3) Bảo đảm người chưa thành niên được đối xử bình đẳng

- Đảm bảo đối xử công bằng, bình đẳng, không phân biệt đối xử đối với mọi người chưa thành niên.

- Quan tâm đến các nhu cầu của người chưa thành niên ở những nhóm đặc biệt dễ tổn thương, bao gồm trẻ em gái, người khuyết tật và người dân tộc thiểu số.

(4) Bảo đảm quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời

Người chưa thành niên có quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời bằng ngôn từ đơn giản, thân thiện, dễ hiểu về tiến trình giải quyết vụ việc, về quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình tố tụng.

(5) Bảo đảm sự tham gia của người giám hộ, người đại diện của người chưa thành niên

- Người chưa thành niên được bảo đảm quyền có cha mẹ, người giám hộ, người đại diện hợp pháp khác tham gia trong quá trình tố tụng, trừ trường hợp sự tham gia của cha mẹ, người giám hộ, người đại diện hợp pháp khác của người chưa thành niên không vì lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên.

- Trong trường hợp người chưa thành niên không có người giám hộ, không xác định được người giám hộ hoặc việc người giám hộ tham gia không đảm bảo lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên, Tòa án phải chỉ định người đại diện để tham gia tố tụng.

(6) Bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời

- Xem xét ưu tiên áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết các vụ án do người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, là bị hại trong các vụ án xâm hại tình dục.

- Bảo đảm thời hạn giải quyết vụ án có người chưa thành niên là người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng ngắn nhất có thể. Hạn chế việc gia hạn thời hạn giải quyết vụ án.

(7) Ưu tiên áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng

- Các biện pháp xử lý chuyển hướng được ưu tiên áp dụng trong tất cả các giai đoạn tố tụng.

- Khi không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

- Việc áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng là thích hợp, vì lợi ích của người chưa thành niên và cộng đồng.

(8) Xử lý chuyên biệt đối với người chưa thành niên phạm tội

- Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

- Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội.

- Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

- Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.

- Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội.

- Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

(9) Bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên

- Bí mật cá nhân của người chưa thành niên phải được tôn trọng, bảo vệ trong suốt quá trình, thủ tục điều tra, truy tố, xét xử, xử lý chuyển hướng.

- Vụ án có người chưa thành niên phạm tội hoặc là bị hại trong vụ án xâm hại tình dục phải xét xử kín. Trường hợp không thể xét xử kín thì phải bố trí người chưa thành niên tham gia tố tụng tại phòng cách ly hoặc phòng khác với sự hỗ trợ của thiết bị điện tử.

(10) Bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý, phiên dịch của người chưa thành niên

- Người bị buộc tội là người chưa thành niên có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.

- Người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên có quyền lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người chưa thành niên.

- Trường hợp người bị buộc tội là người chưa thành niên không có người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp của họ không lựa chọn người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải chỉ định người bào chữa theo quy định của pháp luật.

- Người chưa thành niên khi tham gia thủ tục tố tụng hình sự được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí.

- Người chưa thành niên khi tham gia thủ tục tố tụng hình sự nếu cần phải phiên dịch thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ miễn phí chi phí cho người phiên dịch.

(11) Hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người chưa thành niên

- Các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế chỉ được áp dụng đối với người bị buộc tội là người chưa thành niên trong trường hợp thật cần thiết theo quy định của luật này.

- Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với người bị buộc tội là người chưa thành niên khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả.

(12) Chuyên môn hóa trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên

Người tiến hành tố tụng đối với vụ án có người chưa thành niên là người bị buộc tội phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến người chưa thành niên, có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên.

(13) Bảo đảm và tôn trọng quyền tham gia trình bày ý kiến của người chưa thành niên

- Người chưa thành niên được quyền tham gia, trình bày ý kiến về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của mình trong suốt quá trình tố tụng.

- Cơ quan tiến hành tố tụng phải cân nhắc các ý kiến, nguyện vọng, tình cảm và thái độ của người chưa thành niên ở mức độ phù hợp trên cơ sở độ tuổi và mức độ trưởng thành của người chưa thành niên.

(14) Bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên

- Thúc đẩy việc áp dụng các biện pháp giáo dục tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên bị buộc tội, phù hợp với đặc điểm của từng người chưa thành niên.

- Ưu tiên việc phổ cập giáo dục phù hợp độ tuổi, trình độ và năng lực phát triển của người chưa thành niên.

- Bảo đảm thực hiện các biện pháp hỗ trợ phục hồi trước, trong và sau khi thi hành án.

Xem thêm tại Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 395

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079