Thực hiện các chỉ tiêu 7.3, 7.6 thuộc tiêu chí môi trường thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới (Hình từ Internet)
Ngày 08/3/2022, Thủ tướng ban hành Quyết định 320/QĐ-TTg về Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới, trong đó tiêu chí số 7 về “Môi trường” bao gồm các chỉ tiêu sau:
- Chỉ tiêu 7.1: Hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt chôn lấp trực tiếp ≤50% tổng lượng phát sinh;
- Chỉ tiêu 7.2: Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn;
- Chỉ tiêu 7.3: Có mô hình tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp quy mô cấp xã trở lên;
- Chỉ tiêu 7.4: Có công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung áp dụng biện pháp phù hợp;
- Chỉ tiêu 7.5: Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường, trong đó tỷ lệ đất trồng cây xanh trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp tối thiểu là 10% diện tích toàn khu;
- Chỉ tiêu 7.6: Đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn;
- Chỉ tiêu 7.7: Tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định;
- Chỉ tiêu 7.8: Tỷ lệ điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện có hạ tầng về bảo vệ môi trường theo quy định.
Theo Mục 4 Chương III Hướng dẫn kèm theo Quyết định 896/QĐ-BNN-VPĐP ngày 01/4/2024, huyện đạt chuẩn các chỉ tiêu 7.3, 7.6 thuộc tiêu chí số 7 về “Môi trường” trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới khi đáp ứng các yêu cầu:
(1) Có mô hình tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp quy mô cấp xã trở lên
- Giải thích các khái niệm:
+ Tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp (tái chế phụ phẩm nông nghiệp hữu cơ) là hoạt động có áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ có tính chất vật lý (cắt, nghiền, ủ, ép, đóng bánh...) hoặc hoá học (hoá chất, chất phân hủy hữu cơ...) hoặc sinh học (nấm men, nấm mốc, côn trùng, vi khuẩn, chế phẩm sinh học...) để thay đổi tính chất của chất thải hữu cơ thành các dạng dễ tiêu, dễ phân hủy, từ đó chế biến thành các sản phẩm có tính chất hàng hóa (có thể trao đổi qua thị trường) hoặc có thể sử dụng cho các mục đích khác (sản xuất: nhiên liệu sinh học, phân bón, thức ăn chăn nuôi, mùn bã hữu cơ...).
+ Mô hình tái chế chất thải hữu cơ là hình thức tổ chức hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý hoặc sử dụng trực tiếp, tái chế chất thải hữu cơ thành dạng sản phẩm trung gian cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các hoạt động sản xuất khác hoặc sản phẩm cuối cùng để sử dụng cho các mục đích khác. Mô hình có thể do một tổ chức hoặc cá nhân hoặc doanh nghiệp trên địa bàn xã đầu tư, xây dựng, vận hành để thu gom chất thải hữu cơ từ các nguồn phát sinh trên địa bàn xã (có thể thu gom từ các xã lân cận); hoặc do tổ tự quản, đoàn thể, hợp tác xã nông nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND xã, do UBND xã thành lập và ban hành quy chế hoạt động, có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. UBND xã ưu tiên thành lập và ưu đãi hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng và vận hành các “mô hình tái chế”; tham mưu, đề xuất, trình UBND huyện cơ chế thu giá dịch vụ xử lý chất thải hữu cơ phù hợp trên địa bàn, áp dụng tối đa các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi phù hợp theo quy định của pháp luật.
+ Quy mô của “Mô hình tái chế chất thải hữu cơ quy mô cấp xã trở lên” bao gồm quy mô về địa bàn hoạt động là mô hình có hoạt động thu gom và xử lý chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp từ các hộ gia đình, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn một xã hoặc nhiều xã; hoặc quy mô về mạng lưới hoạt động, tính chất cộng đồng là mô hình có quy mô liên kết từ tối thiểu 100 hộ sản xuất/gia đình/hộ kinh doanh/hộ chăn nuôi trở lên; hoặc quy mô về công suất hoạt động là mô hình có quy mô tiếp nhận và xử lý từ 5 tấn chất thải trở lên/ngày.
- Phương thức thành lập và hoạt động của mô hình:
+ Có quyết định thành lập hoặc đăng ký kinh doanh (có ngành nghề phù hợp).
+ Có phương án, quy trình sản xuất kinh doanh kèm theo hồ sơ về môi trường phù hợp với quy mô dự kiến.
+ Có địa chỉ, mặt bằng hoạt động, nhà xưởng, máy móc trang thiết bị và nhân lực phù hợp.
+ Có cam kết thu mua (hoặc hợp đồng thu gom) với ít nhất 80% số hộ gia đình hoặc ít nhất 100 hộ chăn nuôi, chế biến, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn một xã hoặc nhiều xã.
+ Có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hoặc địa chỉ sử dụng sản phẩm cụ thể kèm theo các chứng từ bàn giao sản phẩm (hóa đơn, phiếu xuất kho hoặc biên bản giao nhận).
- Các biện pháp công nghệ, kỹ thuật có thể áp dụng:
Tùy đặc tính từng loại chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp để lựa chọn phương án xử lý sau:
+ Ủ thành phân hữu cơ truyền thống được sử dụng để làm phân bón cho cây trồng (vỏ cà phê, rơm rạ, hoa ăn lá, rau ăn củ...).
+ Thu hồi làm nguyên liệu sản xuất cho các ngành khác: Ủ chua làm thức ăn chăn nuôi, làm vật liệu độn chuồng, đệm lót sinh học trong chăn nuôi (cây và lõi ngô, trấu...); làm giá thể trồng nấm, trồng cây (rơm rạ, mùn dừa...); làm than hoạt tính (vỏ sầu riêng, vỏ điều, vỏ lạc, thân cây sắn...); phơi khô, nghiền thành bột bổ sung thức ăn chăn nuôi hoặc chế biến thành sản phẩm thương mại khác (đầu cá, tôm...).
+ Sử dụng trực tiếp: Cày vùi hoặc phay; ép xanh theo rãnh hoặc phủ luống; vùi trong hố đa năng hoặc che tủ gốc cây trồng, che phủ đất.
+ Sản xuất thành viên nhiên liệu: Sử dụng bã ép (lạc, đậu tương...); sử dụng vỏ các loại hạt (cà phê...).
- Sản phẩm và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm:
+ Mô hình do tổ chức (hợp tác xã, hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND xã...) hoặc cá nhân trên địa bàn đứng ra thực hiện, có ký cam kết đối với cơ sở/hộ sản xuất có phát sinh chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp trên địa bàn và có cơ chế ưu đãi hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện mô hình.
+ Hoạt động ổn định từ 02 năm liên tục trở lên.
+ Sản phẩm được tiêu thụ trên địa bàn cấp xã hoặc các địa bàn khác.
(2) Đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn
Đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn trong tiêu chí xác định huyện nông thôn mới là đất công viên, vườn hoa, sân chơi phục vụ cho nhu cầu và bảo đảm khả năng tiếp cận của mọi người dân trong điểm dân cư nông thôn (theo mục 1.4.16 và mục 1.4.17 QCVN 01:2021/BXD) và đất trồng cây ở các hành lang giao thông, ven sông, kênh, mương, trong khuôn viên các trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình tín ngưỡng và các công trình công cộng khác... được trồng các loại cây bản địa, thân gỗ, đa mục đích (bao gồm cả cây bóng mát, cây ăn quả lâu năm; không bao gồm cây thân thảo, vườn hoa, thảm cỏ) có giá trị bảo vệ môi trường, cảnh quan, tác dụng phòng hộ cao, cây quý, hiếm, mang bản sắc văn hóa địa phương/vùng/miền (theo Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”). UBND cấp tỉnh quy định cụ thể để phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, điều kiện đặc thù và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhưng phải đảm bảo mức đạt chuẩn không thấp hơn so với quy định ≥ 2m2/người.
Trần Trọng Tín