Thực hiện mục tiêu đến năm 2030 xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát (Hình từ Internet)
Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định 609/QĐ-BXD ngày 09/5/2024 Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 09/5/2024 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đối với lĩnh vực xây dựng. Trong đó, Bộ xác định rõ nội dung, nhiệm vụ chủ yếu triển khai đến năm 2030 bao gồm:
(1) Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của chính sách xã hội
Tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của từng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Xây dựng về mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 42-NQ/TW và Nghị quyết 68/NQ-CP ; chú trọng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò đặc biệt quan trọng của chính sách xã hội trong giai đoạn mới.
(2) Nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước về chính sách xã hội
Tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng Nghị định quy định chi tiết Luật Nhà ở 2023; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết Luật Nhà ở 2023; các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2022-2025; hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, ngập lụt theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Tổ chức thực hiện khi được cơ quan có thẩm quyền thông qua.
(3) Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công về nhà ở
Chú trọng thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng về nhà ở; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công, đặc biệt là nhà ở, bảo đảm người có công và gia đình người có công phải có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Phát huy truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", khuyến khích tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tích cực tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa".
- Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2022 - 2025 (thay thế Quyết định 22/2013/QĐ-TTg về hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng). Tổ chức thực hiện khi chính sách được cơ quan có thẩm quyền thông qua.
(4) Phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho người lao động
Triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2022-2030, thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt mục tiêu cụ thể như sau:
+ Đến năm 2025 đạt 75% nhân lực ngành Xây dựng đã qua đào tạo, trong đó tổng số người lao động trực tiếp đạt 30% được đào tạo từ trung cấp trở lên; 45% được đào tạo nghề từ 3 tháng trở lên và có khoảng 85% cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, 95% cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng nâng cao trình độ hàng năm.
+ Đến năm 2030 đạt 80% nhân lực Ngành đã qua đào tạo trong đó tổng số người lao động trực tiếp đạt 32% được đào tạo từ trung cấp trở lên; 48% được đào tạo nghề từ 3 tháng trở lên và có khoảng 90% cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, 100% cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng, nâng cao trình độ hàng năm.
(5) Xây dựng hệ thống an sinh xã hội bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, không để ai bị bỏ lại phía sau
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu về nhà ở: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Tiếp tục hoàn thiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2022-2025; hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, ngập lụt theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025.
(6) Nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ cơ bản có chất lượng
Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được một số mục tiêu cụ thể như sau:
- Đến năm 2025 giải quyết cơ bản việc xóa bỏ tình trạng nhà tạm, nhà dột nát và đến năm 2030 xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho các đối tượng trên cả nước.
- Đến năm 2025, diện tích bình quân đầu người cả nước đạt 27m2 sàn/người (tại thành thị 28m2 sàn/người; tại nông thôn 26m2 sàn/người) và đến năm 2030 diện tích bình quân đầu người cả nước đạt 30m2 sàn/người (tại thành thị 32m2 sàn/người; tại nông thôn 28m2 sàn/người).
- Tỷ lệ nhà ở kiên cố đến năm 2030 đạt từ 85-90%, trong đó tại thành thị đạt 100% và từ 75-80% tại nông thôn.
- Tỷ lệ nhà ở có hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước thải đồng bộ và được đấu nối vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực đạt 90% đến năm 2030.
(7) Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ xã hội
Mục tiêu đến năm 2030, 100% hộ gia đình ở thành thị và 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; 100% hộ gia đình, trường học, trạm y tế có công trình phù hợp vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 15% nước thải sinh hoạt được xử lý.
(8) Đẩy mạnh hợp tác và tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện chính sách xã hội
Khuyến khích nguồn lực quốc tế hỗ trợ, đầu tư phát triển các dịch vụ xã hội, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường xuyên biên giới.
Tiếp tục triển khai thực hiện Dự án "Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam" do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) viện trợ không hoàn lại thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc Hợp phần 1 “Hỗ trợ nhà ở chống chịu bão, lụt”
(9) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện chính sách xã hội
Tăng cường nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện chính sách xã hội.
Trần Trọng Tín