06 quyền lợi người lao động được hưởng khi tăng lương tối thiểu vùng từ 01/7/2024

02/07/2024 12:30 PM

Từ 01/7/2024, sẽ chính thức tăng lương tối thiểu vùng. Dưới đây là 06 quyền lợi người lao động được hưởng khi tăng lương tối thiểu vùng.

06 quyền lợi người lao động được hưởng khi tăng lương tối thiểu vùng từ 01/7/2024 (Hình từ internet)

Ngày 30/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 74/2024/NĐ-CP về quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Chính thức tăng lương tối thiểu vùng từ 01/7/2024

Theo đó, từ 01/7/2024, mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:

Vùng

Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/tháng)

Mức lương tối thiểu giờ (Đơn vị: đồng/giờ)

Vùng I

4.960.000

23.800

Vùng II

4.410.000

21.200

Vùng III

3.860.000

18.600

Vùng IV

3.450.000

16.600

(Theo quy định cũ, tiền lương tối thiểu vùng dao động từ 3.250.000 đồng đến 4.680.000 đồng/tháng và từ 15.600 đồng đến 22.500 đồng/giờ)

Như vậy, từ ngày 01/7/2024, mức lương tối thiểu vùng sẽ được tăng lên 6% so với quy định cũ.

06 quyền lợi người lao động được hưởng khi tăng lương tối thiểu vùng từ 01/7/2024

Khi tăng lương tối thiểu vùng, người lao động sẽ được hưởng những quyền lợi sau đây:

(1) Tăng lương hằng tháng

Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 quy định: Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.

Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Như vậy, sau khi tăng lương tối thiểu vùng từ 01/7/2024 mà lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động của người lao động đang thấp hơn lương tối thiểu đã tăng thì công ty cần tăng lên cho phù hợp với quy định mới.

Lưu ý: Trường hợp sau khi tăng lương tối thiểu vùng từ 01/7/2024 mà lương thỏa thuận trong hợp đồng của người lao động đang bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu đã tăng thì công ty không bắt buộc phải điều chỉnh lại tăng lương, lúc này người lao động sẽ được tăng lương theo chế độ tăng lương trong hợp đồng lao động (nếu có).

(2) Tăng tiền lương ngừng việc

Theo Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 quy định nếu phải ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động với mức không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

(3) Tăng tiền lương tối thiểu khi chuyển công việc

Cụ thể, người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Như vậy, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu người lao động vẫn sẽ giữ nguyên mức lương theo tiền lương của công việc cũ. 

Sau 30 ngày, người lao động sẽ được hưởng tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Do đó, khi tăng lương tối thiểu thì mức tiền lương tối thiểu khi chuyển công việc cũng sẽ tăng.

(4) Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội

Theo quy định hiện hành, mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm việc bình thường. Do đó, khi lương tối thiểu tăng, mức đóng BHXH cũng sẽ tăng theo. (Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017)

(5)  Tăng mức đóng bảo hiểm thất nghiệp 

Căn cứ 58 Luật Việc làm 2013Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, 

Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014

Trường hợp mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn hai mươi tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng hai mươi tháng lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động 2019 tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Như vậy. khi tăng lương tối thiểu vùng thì mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ tăng.

(6) Tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa

Theo quy định, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động 2019 đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Theo đó, khi tăng lương tối thiểu vùng thì người lao động cũng sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp cao hơn khi mất việc.

(Điều 50 Luật Việc làm 2013Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017)

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,428

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079