Xử lý giao dịch thanh toán qua Hệ thống bù trừ điện tử từ ngày 15/8/2024 (Hình từ internet)
Ngày 17/7/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 40/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Theo đó, xử lý giao dịch thanh toán qua Hệ thống bù trừ điện tử từ ngày 15/8/2024 như sau:
Tổ chức chủ trì bù trừ điện tử xây dựng quy trình nghiệp vụ của Hệ thống bù trừ điện tử, quy định về số phiên giao dịch, thời gian bù trừ, thanh toán, việc tra soát, đối chiếu dữ liệu, đảm bảo thực hiện quyết toán kịp thời, đầy đủ, chính xác cho các thành viên quyết toán theo kết quả bù trừ điện tử, đảm bảo các nguyên tắc:
- Giá trị giao dịch tối đa bằng đồng việt Nam của lệnh thanh toán qua Hệ thống bù trừ điện tử không được vượt quá giá trị tối đa của lệnh thanh toán giá trị thấp qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng.
- Việc xử lý các giao dịch thanh toán Nợ qua Hệ thống bù trừ điện tử đều phải có văn bản thỏa thuận hoặc ủy quyền trước.
- Tổ chức chủ trì bù trừ điện tử và thành viên quyết toán phải theo dõi, quản lý chặt chẽ hạn mức bù trừ điện tử đảm bảo tổng số chênh lệch phải trả của thành viên quyết toán trong một phiên giao dịch bù trừ điện tử không lớn hơn hạn mức bù trừ điện tử được cấp trong ngày của thành viên quyết toán đó.
(Điều 13 Thông tư 40/2024/TT-NHNN)
Theo khoản 1 Điều 11 Thông tư 40/2024/TT-NHNN quy định về thiết lập hạn mức bù trừ điện tử như sau:
- Hạn mức bù trừ điện tử thiết lập cho thành viên quyết toán lần đầu tham gia Hệ thống bù trừ điện tử bằng giá trị của giấy tờ có giá, tiền ký quỹ để thiết lập hạn mức bù trừ điện tử của thành viên quyết toán;
- Việc thiết lập hạn mức bù trừ điện tử cho thành viên quyết toán được tổ chức chủ trì bù trừ điện tử thực hiện theo định kỳ hàng tháng vào ngày làm việc đầu tiên của tháng;
- Thành viên quyết toán tự tính hạn mức bù trừ điện tử đầu kỳ và gửi đề nghị thiết lập hạn mức bù trừ điện tử đến tổ chức chủ trì bù trừ điện tử trước ngày làm việc đầu tiên của kỳ thiết lập hạn mức bù trừ điện tử. Hạn mức bù trừ điện tử đầu kỳ của mỗi thành viên quyết toán được tính trên cơ sở mức chênh lệch (phải trả - phải thu) ngày cao nhất trong các giao dịch thanh toán qua Hệ thống bù trừ điện tử của kỳ liền trước kỳ thiết lập hạn mức bù trừ điện tử và đảm bảo tỷ lệ ký quỹ theo quy định tại Điều 12 Thông tư 40/2024/TT-NHNN;
Trong trường hợp hạn mức bù trừ điện tử đầu kỳ tính toán bằng không hoặc âm thì hạn mức bù trừ điện tử đầu kỳ được tính trên cơ sở hạn mức bù trừ điện tử kỳ liền trước và đảm bảo tỷ lệ ký quỹ theo quy định tại Điều 12 Thông tư 40/2024/TT-NHNN;
Trong trường hợp thành viên quyết toán tham gia Hệ thống bù trừ điện tử có thời gian chưa đủ 01 tháng thì hạn mức bù trừ điện tử đầu kỳ của thành viên đó được thiết lập bằng giá trị của giấy tờ có giá, tiền ký quỹ để thiết lập hạn mức bù trừ điện tử của thành viên;
Trường hợp thành viên quyết toán đề nghị thiết lập hạn mức bù trừ điện tử cao hơn hạn mức bù trừ điện tử đầu kỳ được tính toán, phần giá trị tăng thêm của hạn mức bù trừ điện tử so với hạn mức bù trừ điện tử đầu kỳ được áp dụng tỷ lệ ký quỹ tương ứng như quy định tại điểm b khoản 2 Điều 12 Thông tư 40/2024/TT-NHNN;
- Thành viên quyết toán chịu trách nhiệm về số liệu tính hạn mức bù trừ điện tử đầu kỳ. Tổ chức chủ trì bù trừ điện tử thiết lập hạn mức bù trừ điện tử căn cứ đề nghị của thành viên quyết toán, thông tin xác nhận của Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) về giá trị ký quỹ của thành viên quyết toán để thiết lập hạn mức bù trừ điện tử cho thành viên quyết toán, đảm bảo tỷ lệ ký quỹ theo quy định, sau đó thông báo kết quả để thành viên quyết toán thực hiện;
- Thành viên quyết toán thực hiện ký quỹ để thiết lập hạn mức bù trừ điện tử theo quy định tại Điều 12 Thông tư 40/2024/TT-NHNN.