Cơ quan Hải quan đề nghị được khởi tố bị can đối với 15 loại tội phạm trong đó có tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người. Trong ảnh: Lực lượng chống buôn lậu Hải quan lạng Sơn phối hợp bắt giữ gia cầm nhập lậu. Ảnh: HUỆ MINH
Cho phép khởi tố vụ án, bị can với 15 tội danh
Theo quy định tại Luật Hải quan, Luật Phòng chống ma túy, Luật Quản lý thuế... cơ quan Hải quan là lực lượng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa XK, NK và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi nước ta đang tiến tới hội nhập kinh tế quốc tế, thuế suất nhiều mặt hàng ngày càng giảm, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy, vũ khí, chất cháy, chất nổ... qua biên giới có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, nhiệm vụ của cơ quan Hải quan hướng tới tập trung chủ yếu là phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Pháp luật Việt Nam hiện nay chỉ mới quy định cơ quan Hải quan có thẩm quyền điều tra theo tố tụng hình sự đối với tội buôn lậu và tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới. Mặt khác, trong quá trình thực thi nhiệm vụ quản lí nhà nước chuyên ngành, trong phạm vi địa bàn hoạt động Hải quan có nhiều loại tội phạm xảy ra thuộc nhiệm vụ quản lí của ngành Hải quan như vận chuyển trái phép vũ khí, ma túy qua biên giới, trốn thuế, rửa tiền, vi phạm quyền SHTT, hàng giả... Nhưng cơ quan Hải quan lại chỉ được tiến hành khởi tố đối với 2 tội danh nói trên (Điều 153 và Điều 154 Bộ luật Hình sự).
Tổng cục Hải quan đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự và Điều 20 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự theo hướng tăng thẩm quyền, phạm vi hoạt động điều tra cho cơ quan Hải quan, cho phép cơ quan Hải quan tiến hành điều tra, khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với 15 loại tội phạm xảy ra trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan.
Đó là những tội quy định hình phạt đối với các hành vi phạm tội thuộc chức năng quản lí nhà nước về hải quan và có yếu tố vận chuyển trái phép qua biên giới mà các nước trên thế giới đều giao cho cơ quan Hải quan có thẩm quyền khởi tố như: “Điều 157-Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh: Điều 161-Tội trốn thuế; Điều 171-Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; Điều 185-Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; Điều 186-Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người, Điều 187-Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật; Điều 194-Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy; Điều 195-Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy; Điều 230-Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng; Điều 232-Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ; Điều 233-Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ; Điều 236-Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất phóng xạ; Điều 23-Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất cháy, chất độc; Điều 251-Tội rửa tiền”.
Kéo dài thời hạn điều tra
Theo Tổng cục Hải quan, thời hạn điều tra quy định tại Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự và Điều 20 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự để cơ quan Hải quan tiến hành điều tra là quá ngắn, không đảm bảo thời gian để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định. Do đó, Tổng cục Hải quan đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung tăng thời hạn điều tra như sau: Đối với những vụ án quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự (đối với tội phạm ít nghiêm trọng) thì tăng thời hạn điều tra từ 20 ngày lên 30 ngày. Đối với những vụ án quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự (đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp) thì tăng thời hạn điều tra từ 7 ngày lên 15 ngày.
Hải quan có quyền tạm giữ người?
Theo chức năng nhiệm vụ, cơ quan Hải quan thực hiện việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa XK, NK và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong những trường hợp đối tượng vận chuyển trái phép ma túy, vũ khí... nếu không tạm giữ ngay thì đối tượng vi phạm sẽ xuất cảnh qua biên giới, gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố. Do đó, Tổng cục Hải quan kiến nghị khi sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan có thẩm quyền xem xét, bổ sung quy định cho Hải quan có quyền bắt người, tạm giữ người là hợp lí, phù hợp với quy định của Luật Hải quan, kịp thời ngăn chặn người phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điều tra.
Mặt khác, theo quy định của Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự hiện hành, chỉ có Cục trưởng Cục ĐTCBL, Cục trưởng Cục KTSTQ, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu và cấp phó của những người nêu trên khi được phân công hoặc ủy nhiệm thực hiện các quyền hạn của cấp trưởng, mới có quyền tiến hành các hoạt động điều tra. Quy định này gây hạn chế cho hoạt động điều tra của cơ quan Hải quan, do đó, Tổng cục Hải quan đề nghị, sửa đổi Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự theo hướng, cho phép cán bộ Hải quan được tiến hành một số hoạt động điều tra như lấy lời khai, tiến hành các hoạt động khám xét, đối chất, nhận dạng, yêu cầu các cơ quan tổ chức cung cấp tài liệu, chứng từ (cơ quan Hải quan có trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn cán bộ làm công tác điều tra).
Thịnh Hưng
Theo Báo Hải quan