Người dân có quyền yêu cầu được giải trình

27/03/2014 15:47 PM

Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước đang được Thanh tra Chính phủ lấy ý kiến.

Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước đang được Thanh tra Chính phủ lấy ý kiến.

Đây là Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 8-8-2013 quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Có ý kiến cho rằng, với quy định này, người dân được đặt ở vị trí “ngang hàng”, thậm chí “cao hơn” cơ quan quản lý Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân cũng được phát huy tối đa, phù hợp với tinh thần, nội dung Hiến pháp vừa được thông qua.

Quyền được yêu cầu giải trình

Thông tư này hướng dẫn một số quy định về đối tượng áp dụng; nội dung đã được giải trình hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết; trường hợp nhiều người yêu cầu giải trình về cùng một nội dung; việc thu thập, xác minh và tiếp nhận, xử lý thông tin, tài liệu; việc công khai văn bản giải trình; việc lập, quản lý hồ sơ giải trình và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm giải trình.

Đối tượng áp dụng là các cơ quan hành chính Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan hành chính Nhà nước và người có thẩm quyền trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình; cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế; các tổ chức nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; công dân Việt Nam, người nước ngoài sinh sống hoặc làm việc tại Việt Nam có yêu cầu giải trình.

Dự thảo cũng quy định cụ thể trình tự, thủ tục giải trình. Trường hợp nhiều người yêu cầu giải trình bằng văn bản thì trong văn bản yêu cầu, phải ghi rõ nội dung về việc cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải trình. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu giải trình thuộc thẩm quyền, người giải trình phải tiếp nhận và thực hiện việc giải trình. Việc tiếp nhận giải trình phải thông báo cho người yêu cầu giải trình.

Khi cần thiết, người giải trình tự mình hoặc giao cho cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của mình tiến hành thu thập, xác minh các thông tin có liên quan đến yêu cầu giải trình. Khi hết thời hạn được giao thu thập, xác minh, cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ thu thập, xác minh phải báo cáo kết quả thu thập, xác minh bằng văn bản với người giải trình.

Cũng theo nội dung Thông tư, cơ quan Nhà nước cấp trên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan cấp dưới, Thanh tra Chính phủ giúp Chính phủ thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương...


Theo Thông tư, người dân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước giải trình nếu thấy chưa thỏa đáng. Ảnh: V.Giang

Cụ thể hóa quyền làm chủ của nhân dân

Trao đổi với PV, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, từ Đại hội X, Đảng đã xác định Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Nhưng chính từ những sai sót trong lãnh đạo của nhiều cơ quan quản lý Nhà nước khi đã không tôn trọng quyền làm chủ ấy của nhân dân.

Theo ông Sửu, thực chất cũng do những người đứng đầu một số cơ quan quản lý Nhà nước đã vì quyền lợi. “Như xây dựng một trường học, một con đường, một trạm xá... mà cán bộ xà xẻo, ăn cắp nguyên vật liệu, ăn bớt đến 60-70% thì người dân cảm thấy bất bình, chính là vi phạm quyền làm chủ của dân” - ông Sửu nêu ví dụ.

Ông Sửu cũng cho rằng, chủ trương, chính sách thì đã rõ, nhưng khi áp dụng ở địa phương thì cán bộ lại áp dụng không đúng, vô trách nhiệm, làm người dân bất bình, không đồng tình. “Cán bộ làm không đến nơi đến chốn, tự ý làm mà không thảo luận với dân. Đến khi báo cáo lên cấp trên thì nói đã làm tốt, đã họp hàng trăm lần” - vị cựu cán bộ, đặt vấn đề: “Đó là biến tướng chính sách, là vi phạm quyền làm chủ”. “Tôi biết có những nơi, một thôn có đến 5 nhà văn hóa cho 5 đội sản xuất, mỗi năm chỉ sử dụng một đôi lần. Nếu để cho người dân tham gia thì chắc người dân sẽ đồng tình chỉ nên làm 1 cái thôi. Thế nhưng cán bộ cứ làm lấy thành tích, chưa kể đến tiêu cực. Những người có quan hệ, có cương vị nhất định có thể kiếm chác được, dân không đồng tình và không thể tha thứ được” - ông Sửu nêu thực tế.

Một vấn đề, theo ông Sửu là xu hướng quản lý chung hiện nay là cứ không quản được thì cấm, cấm không được thì phạt, phạt không được thì phạt nặng hơn. “Quản lý cách đó không đủ sức răn đe, chỉ làm dân thấy nản hơn. Lương của người lao động thấp, động vi phạm một cái là bị phạt. Phải có cách quản lý làm sao để người dân cảm thấy thỏa đáng” - ông Sửu lập luận. Vị cựu cán bộ UBKT Trung ương còn cho rằng, trong quản lý, chính sách nào sai thì phải nhận, phải thay đổi. “Giờ cán bộ ít khi nhận mình sai, đặc biệt là sai trong quản lý lãnh đạo. Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn cũng là biểu hiện của việc sai sót trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện”.

Ông Ngô Văn Sửu đánh giá, việc trao cho người dân cái quyền phản biện, yêu cầu được giải trình, cũng đã là một bước tiến. Nhưng ông Sửu cũng nói nếu chỉ giải trình không thôi mà không có kết luận, không giải quyết thỏa đáng thì người dân cũng sẽ chán, không muốn nghe. “Nếu thực hiện thì phải có một hệ thống, có cơ chế quy định trách nhiệm rõ ràng, xử lý sai phạm triệt để thì việc này mới có ý nghĩa”.

Trong Hiến pháp năm 2013, người dân có quyền phản biện lại các chính sách. Do đó, người dân có quyền có ý kiến. Dân đồng tình thì áp dụng, không ban hành một cách vội vã...

Đối tượng áp dụng trong Thông tư là các cơ quan hành chính Nhà nước; các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan hành chính Nhà nước và người có thẩm quyền trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình; cơ quan Nhà nước; tổ chức chính trị; tổ chức chính trị-xã hội; tổ chức xã hội; tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp; tổ chức xã hội-nghề nghiệp; tổ chức kinh tế; các tổ chức nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; công dân Việt Nam, người nước ngoài sinh sống hoặc làm việc tại Việt Nam.

Q.Minh - H.Vũ

Theo Pháp luật & Xã hội

Chia sẻ bài viết lên facebook 5,402

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079