Ngoài ra, những xe kinh doanh nhưng tạm dừng lưu hành hoặc bị tai nạn, phải nằm gara từ 30 ngày trở lên; xe bị thiên tai, bị tịch thu thì không phải nộp phí, trường hợp đã đóng rồi thì sẽ được hoàn lại.
Dự thảo cũng nới điều kiện cho phép chủ xe kê khai, nộp phí theo tháng (doanh nghiệp kinh doanh vận tải có tổng số phí phải nộp từ 50 triệu đồng trở lên), theo năm hoặc theo chu kỳ đăng kiểm.
Theo ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, việc dự thảo không còn tách đầu kéo và sơmi rơmoóc thành hai “phương tiện” để tính phí mà gộp chung thành một để thu phí là hợp lý. Điều này giúp doanh nghiệp vận tải giảm gánh do không còn phải đóng phí cho số sơmi rơmoóc nhiều hơn so với số xe đầu kéo mà doanh nghiệp đang có. Tuy vậy, ông Chung đề nghị mở rộng đối tượng được lựa chọn thời gian nộp phí, thay vì chỉ giới hạn ở các đơn vị có mức phí nộp hằng tháng quá 50 triệu đồng.
Cũng theo ông Chung, Bộ Tài chính nên cho phép nộp phí qua tài khoản để tiết kiệm thời gian so với việc nộp phí trực tiếp tại các trung tâm đăng kiểm, đồng thời rút ngắn thời gian “xe không phải chịu phí” (do bị hư hỏng, bị tạm giam, tạm dừng hoạt động) xuống 15 ngày nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
M.Phong
Theo Pháp luật TP. HCM