Cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để cán bộ hưu trí lĩnh lương hưu (Ảnh minh họa)
Trên đây là phản ánh của cụ N.T.H, 72 tuổi - cán bộ hưu trí phường Bạch Đằng. Cụ H còn cho biết thêm, trước đây, việc phát lương cho cán bộ hưu trí và các đối tượng chính sách diễn ra tại tầng 2 trụ sở UBND phường cũ. Song 1 tháng nay, phòng phát lương lại được đưa lên tầng cao nhất của khu nhà. Do vậy, không ít cụ đi lĩnh lương khi leo đến nơi, thở không ra hơi, chân tay run rẩy, lập cập. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những cụ bị huyết áp cao. Có cụ đi lại khó khăn, đến muộn giờ nên phải leo lên leo xuống nhiều lần rất vất vả. “Một số cụ đã ngoài 80 tuổi mắt kém, đi lại chậm chạp nên việc phải leo bộ 5 tầng cầu thang chẳng khác nào cực hình. Nhiều người thấy ái ngại muốn lĩnh hộ cũng không được vì không có giấy ủy quyền” - cụ H thở dài.
Với tâm trạng tương tự, cụ N.V.Đ – 81 tuổi phàn nàn: “Phường chỉ tập trung phát lương trong 3 ngày, ai đến muộn phải ra Bảo hiểm xã hội quận Hai Bà Trưng nhận, nên vào những ngày đó dù có ốm đau chúng tôi buộc phải đến. Nhưng khi đến nơi, chỉ cần nhìn 5 tầng nhà cao ngất tôi đã hoa mắt chóng mặt. Với những người thuộc đối tượng chính sách, là thương binh thì việc đi lại còn khó khăn hơn.
Về vấn đề này, theo bà Lê Bích Hằng - Phó Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng, bắt đầu từ tháng 3, khi trụ sở UBND phường chuyển đến địa điểm mới thì việc phát lương cho các cụ hưu trí và các đối tượng chính sách đã được chuyển lên hội trường tầng 5. Phường bố trí địa điểm này do đây là hội trường rộng, được trang bị điều hòa, đáp ứng đủ diện tích cho việc phát lương cho 2.000 cán bộ hưu trí và 300 đối tượng chính sách hàng tháng. Bên cạnh đó, việc phát lương tại đây còn để đảm bảo an toàn về an ninh, không ảnh hưởng đến công tác chuyên môn của các phòng ban khác trong UBND phường.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các cụ, phường đã bố trí 6 nhân viên chi trả lương (số lượng gấp đôi so với nhiều phường khác). Thời gian phát lương từ 8h-11h30 và 14h-17h. Tuy vậy, theo chỉ đạo của UBND phường, dù đã hết giờ nhưng nếu vẫn còn người đến nhận lương, cán bộ vẫn phải tiếp tục làm việc. Sau 3 ngày phát lương theo lịch, toàn bộ số lương hưu còn lại sẽ được chuyển về BHXH quận Hai Bà Trưng. Cá nhân nào chưa nhận sẽ trực tiếp đến cơ quan trên để lĩnh hoặc lĩnh gộp tại UBND phường vào tháng sau. Sở dĩ việc phát lương không chuyển về các khu dân cư là do số tiền lương hưu khá lớn, nếu không phát tập trung tại phường và có sự bảo vệ an ninh của lực lượng công an thì yếu tố an toàn khó có thể đảm bảo được.
Cũng theo bà Hằng, UBND phường đã nhận được phản ánh của các cụ về sự bất lợi của điểm phát lương trên tầng 5. Về vấn đề này thường trực UBND phường đã tiến hành họp để tìm giải pháp khắc phục. “Chúng tôi đã tính đến phương án sẽ chuyển xuống tầng 1, song việc bố trí lực lượng bảo vệ và người trông giữ xe khá nan giải vì toàn bộ phương tiện phải chuyển ra ngoài vỉa hè. Bên cạnh đó, phòng phát lương ở tầng 1 khá chật chội và không có điều hòa nên sẽ bị quá tải, nóng bức, đặc biệt là vào mùa hè. Ngoài ra, nếu chuyển địa điểm, UBND phường phải tính toán mua sắm thêm trang thiết bị như bàn ghế, nước uống tại khu vực này. Tuy vậy, tinh thần của lãnh đạo UBND phường là sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi đi lĩnh lương, song phải phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất hiện có tại trụ sở ủy ban…
Trước nguyện vọng chính đáng của người cao tuổi, UBND phường Bạch Đằng cần nhanh chóng bố trí địa điểm phát lương hợp lý, tránh tình trạng người đi nhận lương không những không phấn khởi mà còn cảm thấy mệt mỏi, bức xúc chẳng khác nào hành xác.
Huệ Linh
Theo An ninh Thủ đô