Lại cho phép dạy ngoại ngữ cho trẻ mầm non

19/03/2014 09:52 AM

Sau đúng 1 tháng có công văn cấm tuyệt đối việc dạy ngoại ngữ cho trẻ mầm non, hôm nay (18/3), Bộ Giáo dục lại có Công văn 1303/BGDĐT-GDMN cho phép những cơ sở có đủ điều kiện được phép tổ chức cho trẻ mầm non làm quen với ngoại ngữ…

Theo đó, ở những nơi có điều kiện, phụ huynh có nhu cầu, các cơ sở giáo dục mầm non có thể tổ chức thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ khi đảm bảo các điều kiện: cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động làm quen với ngoại ngữ của trẻ.

Về giáo viên dạy ngoại ngữ, Bộ Giáo dục yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm ngoại ngữ (hoặc cao đẳng ngoại ngữ) trở lên, đạt năng lực ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (ban hành kèm theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/1/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) hoặc tương đương và được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm mầm non. Ngoài ra, nội dung và tài liệu thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ phải được sở giáo dục và đào tạo thẩm định và cho phép thực hiện.

Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục, việc tổ chức thí điểm cho trẻ mầm non làm quen với ngoại ngữ được thực hiện một cách nhẹ nhàng, thoải mái thông qua các trò chơi, bài hát, tranh ảnh…, tạo niềm vui, hứng thú cho trẻ khi được làm quen với một ngôn ngữ mới đồng thời không ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non, việc huy động trẻ ra lớp và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi.

Các sở giáo dục và đào tạo có trách nhiệm quản lí, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ và việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non trong các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn; hằng năm tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Giáo dục mầm non) vào thời điểm báo cáo tổng kết năm học.

Trước đó, hôm 18/2/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 694/BGDĐT-GDMN về việc chấn chỉnh việc tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục mầm non, yêu cầu tuyệt đối không tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non, không quảng bá, tiếp thị các chương trình, phần mềm làm quen với ngoại ngữ chưa được Bộ GD&ĐT cho phép áp dụng; Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm, về quản lý, thực hiện chương trình giáo dục mầm non trong các cơ sở giáo dục mầm non.


Nhiều trẻ được làm quen với ngoại ngữ trong độ tuổi mầm non đã đạt được những kết quả rất tốt - ảnh minh họa

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ra yêu cầu này, dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều. Một số phụ huynh đồng tình với lệnh cấm vì cho rằng, nhiều trẻ nói tiếng Việt còn chưa sõi nên khó học tiếng Anh. Đặc biệt, nhiều phụ huynh cho biết một số trường đã thu tiền để dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non nhưng chất lượng không đảm bảo, thậm chí còn làm các con nói sai...

Tuy nhiên, phần lớn ý kiến đều cho rằng, Bộ Giáo dục không nên cấm tuyệt đối bởi nhiều cơ sở được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, nhất là những cơ sở có giáo viên là người bản địa và có phương pháp sư phạm tốt. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, việc cấm cho trẻ mầm non làm quen với ngoại ngữ là đi lại với xu thế phát triển, hội nhập bởi trên thực tế, nhiều trẻ được làm quen với ngoại ngữ trong độ tuổi mầm non đã đạt được những kết quả rất tốt. Những ý kiến này đều cho rằng, việc cấm chỉ nên áp dụng với những đơn vị không đủ điều kiện về vật chất cũng như giáo viên giảng dạy.

Tại công văn ký hôm nay (18/3), do Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Nghĩa tiếp tục khẳng định, hiện nay, một số cơ sở giáo dục mầm non tổ chức dạy ngoại ngữ cho trẻ có thu tiền của phụ huynh nhưng không đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Báo cáo của các sở giáo dục và đào tạo cho thấy có không ít cơ sở giáo dục mầm non tổ chức dạy ngoại ngữ cho trẻ nhưng người dạy chưa đảm bảo về trình độ ngoại ngữ hoặc chưa có nghiệp vụ sư phạm; thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ; nội dung tài liệu chưa phù hợp với độ tuổi, gây căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ và việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non.

Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các sở giáo dục và đào tạo thực hiện nghiêm túc công văn nêu trên; tổ chức kiểm tra, rà soát lại các cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức dạy ngoại ngữ để có giải pháp chấn chỉnh kịp thời.

Đây không phải lần đầu tiên Bộ Giáo dục gặp vấn đề trong việc ra các quy định. Trước đó, năm 2013, Bộ này đã khiến dư luận bức xúc khi ra quyết định "cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng khi thi đại học." Ngay sau khi Thông tư ra đời, trước sự phản ứng của dư luận, Bộ Giáo dục đã phải rút bỏ quy định này. Việc ra những quy định vội vàng, không có sự nghiên cứu kỹ càng cũng như không có sự tham gia, góp ý kiến của các đơn vị, cá nhân liên quan đã khiến Bộ Giáo dục nhận được nhiều lời chỉ trích từ dư luận.

Tuệ Khanh

Theo VnMedia

Chia sẻ bài viết lên facebook 9,674

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079