Phải xóa dần độc quyền

20/03/2014 09:48 AM

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định hiện thời tạm chấp nhận độc quyền xăng dầu, điện... nhưng phải công khai, minh bạch

Ngày 19-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương. Tại cuộc họp, Thủ tướng chỉ đạo Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng các cơ quan sớm hoàn thành việc xây dựng báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.

Kinh tế bị can thiệp hành chính quá nhiều

Tại cuộc họp, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Vương Đình Huệ, đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và ban này do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu với 23 thành viên từ các bộ, ngành khác nhau. Theo ông Huệ, dự kiến báo cáo sơ kết sẽ được trình Bộ Chính trị vào đầu tháng 6-2014.

Thủ tướng đồng ý với đề nghị này nhưng lưu ý Ban Chỉ đạo phải phối hợp và tận dụng kết quả báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa hoàn tất.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Kinh tế thị trường mà giá không theo thị trường, có độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng là không đúng. Ảnh: TTXVN

Bản báo cáo của Bộ KH-ĐT đã nêu bật hàng loạt hạn chế, tồn tại. Cụ thể, thể chế kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào các văn bản dưới luật. Các quyết định điều hành mang tính hành chính dẫn đến hiệu lực thể chế bị phụ thuộc quá nhiều vào giải thích và cách thức thực hiện của bộ, ngành và người có thẩm quyền liên quan. Trong khi đó, các hoạt động kinh tế về cơ bản được triển khai trên địa giới hành chính cấp tỉnh, thiếu liên kết vùng dẫn đến thể chế bị chia cắt.

Đặc biệt, báo cáo thẳng thắn nhìn nhận trong vận hành, quản lý, nhà nước - bao gồm cả cơ quan ở trung ương và địa phương - còn tham gia và can thiệp hành chính trực tiếp, với quy mô tương đối lớn vào việc phân bổ nguồn lực và sự vận hành của nền kinh tế. Hình thức tác động rất đa dạng, vừa bằng hệ thống quy hoạch phát triển ngành vừa bằng quyết định hành chính, thậm chí bằng can thiệp trực tiếp với tư cách là chủ đầu tư và chủ sở hữu doanh nghiệp (DN).

Chấm dứt kiểu cấp tín dụng theo chỉ đạo

“Sức sống” của nền kinh tế là DN nhưng môi trường kinh doanh và quyền tự quyết của DN còn bị hạn chế bởi nhiều yếu tố can thiệp phi thị trường. Chế độ quản trị DN, đặc biệt là DN nhà nước, chưa tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. Giá cả nhiều loại hàng hóa, dịch vụ - nhất là giá vốn - có tính độc quyền nhà nước vẫn bị méo mó, sai lệch do các yếu tố phi thị trường. Quản lý tài sản và đầu tư công của các tập đoàn, tổng công ty và DN nhà nước còn nhiều bất cập, gây lãng phí, thất thoát, để lại nhiều hệ lụy.

Bộ KH-ĐT cũng kiến nghị cần chấm dứt các hình thức cho vay, cấp tín dụng theo chỉ đạo, chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước với các dự án đầu tư của DN nhà nước. Tiếp tục mở cửa thị trường trong các ngành còn độc quyền, trước hết là thị trường sản xuất và cung ứng điện, bán lẻ điện.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Văn Trung cho biết để sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X thì cần lội ngược lại cả quá trình hàng chục năm để rút ra kinh nghiệm. “Chúng ta lo cho lợi ích số đông, lợi ích người lao động, lo nhiều mảng xã hội thì phải làm rõ tính chất XHCN ở chỗ nào vì nhiều nước cũng làm như vậy, không riêng gì Việt Nam” - ông Trung băn khoăn.

Trước ý kiến trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng kinh tế thị trường định hướng XHCN là con đường mới, chưa có ai vạch sẵn mà Việt Nam phải vừa làm vừa thiết kế vừa thi công… “Nhưng kinh tế thị trường là phải theo đúng quy luật thị trường. Kinh tế thị trường mà giá không theo thị trường, có độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng là không đúng. Còn định hướng XHCN như thế nào thì phải làm rõ và câu trả lời cũng xuất phát chính thực tiễn” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng cho rằng kinh tế thị trường mà giá xăng dầu, điện vẫn bao cấp thì không thể được. “Chúng ta tạm thời chấp nhận độc quyền tự nhiên nhưng phải công khai minh bạch”- Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng cho rằng giá dịch vụ giáo dục, y tế tới đây cũng phải tuân thủ cơ chế thị trường, phải tính đúng tính đủ; còn hộ nghèo, đối tượng chính sách thì nhà nước hỗ trợ. “Cứ tiếp tục giữ giá thấp để bệnh viện quá tải, bên ngoài đưa máy vào thu tiền cao bệnh nhân. Hay nhiều nơi thiếu người giỏi vì mức lương thấp thì phải có cải cách thay vì duy trì sự cào bằng” - Thủ tướng đặt vấn đề. 

Việc tái lập Ban Kinh tế Trung ương là cần thiết. Ban có chức năng tham mưu, nghiên cứu, đề xuất, thẩm định và kiểm tra, giám sát là đúng yêu cầu. Không bao giờ Đảng bỏ việc kiểm tra, giám sát về kinh tế. Đảng cũng không bao giờ bỏ chức năng lãnh đạo kinh tế” - Thủ tướng quả quyết. 

Thế Dũng

Theo Người Lao động

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,088

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079