Tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

19/08/2024 18:00 PM

Bài viết sau có nội dung về tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin được quy định tại Thông báo 375/TB-VPCP năm 2024.

 

Tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (Hình từ Internet)

Ngày 13/8/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành ban hành Thông báo 375/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về điều hành chính sách tiền tệ.

Tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Theo nội dung trong Thông báo 375/TB-VPCP năm 2024 thì sau khi nghe báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại văn bản 263/BC-NHNN năm 2024, ý kiến của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Thực hiện quyết liệt, nhất quán Kết luận 64-KL/TW năm 2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

- Điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng;

Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm…); tăng cường các biện pháp xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu phát sinh.

Tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác điều hành hạn mức tăng trưởng tín dụng, khuyến khích các tổ chức tín dụng có chất lượng tín dụng tốt, tăng trưởng lành mạnh, hiệu quả, cơ cấu tín dụng phù hợp với chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các điều kiện khác theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, không để xảy ra tiêu cực, xin cho, tham nhũng, vi phạm pháp luật.

- Điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt, hài hòa, cân bằng hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá; theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế, nhất là các động thái điều chỉnh chính sách của FED và các ngân hàng trung ương, nâng cao chất lượng phân tích, dự báo và có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; đa dạng hóa các kênh cung ứng ngoại tệ, ổn định giá trị đồng Việt Nam, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

- Điều hành lãi suất theo hướng bám sát diễn biến thị trường và sử dụng hiệu quả, hợp lý, kịp thời, đồng bộ các công cụ điều hành chính sách tiền tệ; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm việc công khai lãi suất cho vay; tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số..., để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân, với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; phát huy hơn nữa vai trò của các ngân hàng thương mại nhà nước.

- Điều hành nghiệp vụ thị trường mở (OMO) linh hoạt, hiệu quả, phù hợp diễn biến thị trường, hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ, tạo dư địa để điều hành lãi suất, tỷ giá; theo thẩm quyền xem xét, cân nhắc việc điều hành OMO nới lỏng trong điều kiện kiểm soát lạm phát theo mục tiêu để có điều kiện giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

- Tiếp tục chủ động triển khai các công cụ, giải pháp quản lý, điều hành thị trường vàng phù hợp, kịp thời, hiệu quả hơn nữa; đánh giá kết quả triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng trong thời gian qua và đề xuất các giải pháp quản lý thị trường vàng căn cơ, dài hạn, bảo đảm thị trường vàng phát triển ổn định, lành mạnh, minh bạch, bền vững, không để xảy ra tình trạng vàng hóa nền kinh tế; đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về điều hành thị trường vàng.

- Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi, trong đó có chương trình tín dụng 140 nghìn tỷ đồng cho vay hỗ trợ cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các nguyên nhân chậm giải ngân để tháo gỡ các vướng mắc, triển khai hiệu quả chương trình tín dụng 140 nghìn tỷ đồng.

- Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát, hạn chế và xử lý nợ xấu phát sinh theo quy định pháp luật, bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

- Khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện phương án chuyển giao các ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương; chủ động theo thẩm quyền hoàn thiện ngay phương án cơ cấu lại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn theo đúng quy định pháp luật, không để chậm trễ hơn nữa, báo cáo cấp thẩm quyền trong tháng 8/2024.

- Triển khai mạnh mẽ hoạt động chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng và thích ứng với những thay đổi của thời đại số; ngành ngân hàng phải tiên phong, đi đầu trong việc chuyển đổi số và là động lực thúc đẩy chuyển đổi số của cả nền kinh tế nhằm giảm chi phí hành chính, tạo lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

- Tăng cường công tác thông tin truyền thông, bảo đảm kịp thời, chính xác, rõ ràng, đầy đủ, minh bạch về các chủ trương, chính sách, điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, tín dụng, thị trường vàng… để tăng cường, củng cố niềm tin của doanh nghiệp, người dân đối với hệ thống ngân hàng.

- Nghiên cứu, xem xét về việc Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho vay đối với người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Xem thêm Thông báo 375/TB-VPCP ban hành ngày 13/8/2024.

Chia sẻ bài viết lên facebook 454

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079