Quy định mới về điều kiện kinh doanh và dịch vụ hỗ trợ vận tải biển

16/04/2014 08:40 AM

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 30/2014/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải biển và dịch vụ hỗ trợ vận tải biển. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014 và thay thế Nghị định số 115/2007/NĐ-CP ngày 5/7/2007 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải biển.

Nghị định 30/2014/NĐ-CP quy định người kinh doanh vận tải biển tại Việt Nam phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển theo quy định của pháp luật và chỉ được kinh doanh vận tải biển sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải biển.

Về điều kiện kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, Nghị định số 115/2007/NĐ-CP chỉ quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và dịch vụ lai dắt hỗ trợ tại cảng biển Việt Nam phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Trường hợp kinh doanh dịch vụ lai dắt thì phải có tàu lai dắt đăng ký mang cờ quốc tịch tàu biển Việt Nam.

Ngoài các điều kiện trên, Nghị định 30/2014/NĐ-CP mới được ban hành cũng quy định thêm một số điều kiện kinh doanh 2 dịch vụ này.

Nhân viên đại lý tàu biển phải là công dân Việt Nam

Cụ thể, đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; có đăng ký kinh doanh ngành nghề dịch vụ đại lý tàu biển.

Đồng thời, doanh nghiệp phải có cán bộ chuyên trách thực hiện khai thác dịch vụ đại lý tàu biển và pháp chế doanh nghiệp. Người được bổ nhiệm giữ vị trí phụ trách lĩnh vực đại lý tàu biển phải có kinh nghiệm trong hoạt động đại lý tàu biển tối thiểu 2 năm và nhân viên đại lý tàu biển phải là công dân Việt Nam, có bằng đại học một trong các chuyên ngành hàng hải, ngoại thương, thương mại hoặc kinh tế. Người phụ trách pháp chế doanh nghiệp phải có bằng đại học chuyên ngành luật và phải có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực pháp luật tối thiểu 2 năm.

Kinh doanh dịch vụ lai dắt phải có tối thiểu 2 tàu lai dắt chuyên dụng

Về điều kiện kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển, Nghị định quy định, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển tại Việt Nam phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; có đăng ký kinh doanh ngành nghề dịch vụ lai dắt tàu biển. Doanh nghiệp phải có cán bộ chuyên trách thực hiện khai thác dịch vụ lai dắt tàu biển và pháp chế doanh nghiệp.

Đồng thời, người được bổ nhiệm giữ vị trí phụ trách lĩnh vực lai dắt tàu biển phải có kinh nghiệm trong hoạt động lai dắt tàu biển tối thiểu là 2 năm. Người phụ trách pháp chế doanh nghiệp phải có bằng đại học chuyên ngành luật hoặc tương đương và phải có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực pháp luật tối thiểu 2 năm.

Đặc biệt, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển tại Việt Nam phải có tối thiểu 2 tàu lai dắt chuyên dụng.

Phải có hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp

Nghị định mới ban hành cũng bổ sung quy định cụ thể điều kiện về duy trì hoạt động kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển, lai dắt tàu biển. Cụ thể, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải có hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp hoặc có bảo lãnh tài chính tương đương và có hợp đồng đại lý tàu biển, hợp đồng lai dắt tàu biển đối với từng chuyến tàu cụ thể hoặc trong một thời hạn cụ thể.

Ngoài ra, Nghị định cũng nêu rõ, tổ chức, cá nhân nước ngoài được thành lập công ty liên doanh kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và dịch vụ lai dắt, trong đó tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 49% tổng số vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Phương Nhi

Theo Báo điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,707

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079