Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi 7 Luật tháng 10/2024 (Hình từ Internet)
Tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2024, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ Quốc gia.
Theo đó, Chính phủ đánh giá cao Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ Quốc gia nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Tại Nghị quyết 126/NĐ-CP ngày 01/9/2024, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Thành viên Chính phủ tại cuộc họp, ý kiến góp ý của các bộ, ngành, cơ quan liên quan; chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ Quốc gia theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp; giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự án Luật sửa đổi 7 Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, tháng 10 năm 2024 theo quy trình 01 kỳ họp.
Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng và phạm vi sửa đổi các luật trong đề nghị xây dựng Luật; giao Bộ Tài chính nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, bảo đảm các yêu cầu sau:
- Tiếp tục tổng kết, rà soát, đánh giá để bảo đảm xử lý triệt để những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan như Luật Đầu tư công sửa đổi, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai... tránh chồng chéo, mâu thuẫn, tạo khoảng trống pháp lý khi tổ chức thi hành Luật, tạo môi trường đầu tư minh bạch, an toàn, rõ ràng và nhanh chóng; đồng thời, tổ chức hiệu quả các hoạt động tham vấn, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học để nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng, phù hợp.
- Ban hành quy trình quản lý, phân bổ và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cho các công trình, dự án tại địa phương hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch; tránh tình trạng ngân sách địa phương không được hỗ trợ cho các dự án ở trung ương trên địa bàn; ngân sách nhà nước của các địa phương có thể hỗ trợ cho nhau để thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội.
- Tăng cường phân cấp, phân quyền cho các Bộ ngành, địa phương; việc phân cấp, phân quyền gắn liền với nâng cao năng lực thực thi, phân bổ nguồn lực có hiệu quả; cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, xóa bỏ “cơ chế xin-cho”, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong quá trình thực hiện.
- Nghiên cứu, bổ sung tiêu chí, công cụ để thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác; bảo đảm rõ trách nhiệm đến từng cấp thực hiện quản lý không để xảy ra thất thoát, lãng phí vốn và tài sản của Nhà nước.
- Rà soát kỹ quy định của Luật Chứng khoán để hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm tháo gỡ cho người dân, doanh nghiệp; có biện pháp tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán tập trung vào các hành vi lừa đảo, gian lận, trục lợi trên thị trường chứng khoán; tạo môi trường minh bạch, an toàn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi tham gia vào thị trường chứng khoán.
- Nghiên cứu quy định cụ thể để sửa đổi Luật Kế toán nhằm tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn; đảm bảo sự đồng bộ các quy định Luật Kế toán và Luật Giao dịch điện tử; đồng thời nâng cao tính tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân; phân quyền rõ thẩm quyền Ngân hàng Nhà nước ban hành chế độ kế toán đối với tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm về bảo đảm an toàn đối với hệ thống các tổ chức tín dụng.
- Tập trung hoàn thiện chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế, nhất là thu thuế bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chống thất thu thuế; khi giải quyết hồ sơ thuế phải bảo đảm đúng đối tượng và đúng thời hạn trong phạm vi hồ sơ, tài liệu mà người nộp thuế phải cung cấp theo quy định của pháp luật.