Kịp thời tháo gỡ 9 nhóm vướng mắc về VNACCS/VCIS

24/04/2014 09:41 AM

Gần 1 tháng triển khai Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập. Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã kịp thời đưa ra giải pháp tháo gỡ để tạo thuận lợi cho cộng đồng DN, cho hoạt động XNK.


Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc - Ảnh: T.Bình.

Thông qua nhiều kênh thông tin, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã nhận được 9 nhóm nội dung vướng mắc liên quan đến Hệ thống VNACCS/VCIS, bao gồm: Xác nhận, đóng dấu tờ khai giấy; Giới hạn tối đa 50 dòng hàng trên một tờ khai hải quan; Một tờ khai chỉ khai báo cho một hóa đơn; Hàng hóa luân chuyển giữa các DN chế xuất cùng một tập đoàn; Thông quan điện tử của hải quan; Sự thiếu đồng bộ trong thông tin của Ngành về lệ phí tờ khai; số lần sửa tờ khai là 9 lần nhưng khi đã hoàn thành việc khai hải quan, DN vẫn chưa được đảm bảo hàng hóa sẽ được thông quan; Trường khai mã hàng hóa quá ngắn (độ dài của mã hàng hóa).

Với tinh thần cầu thị, kịp thời giải quyết vướng mắc cho DN, không gây ách tắc đối với hoạt động XNK khi thực hiện VNACCS/VCIS, ngay sau khi tiếp nhận các vướng mắc nêu trên, ngày 22-4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã chủ trì cuộc họp, tại trụ sở Cục Hải quan Hải Phòng (một trong 2 đơn vị đầu tiên triển khai chính thức và là đơn vị đầu tiên hoàn thành việc thực hiện VNACCS/VCIS tại 100% chi cục để xử lý vấn đề). Tham dự cuộc họp có Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc; các đồng chí Phó Tổng cục trưởng: Vũ Ngọc Anh, Nguyễn Văn Cẩn; ông Hiroki Sakurai- Cố vấn trưởng Dự án VNACCS/VCIS; thủ trưởng 5 Cục Hải quan trọng điểm (Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai) và vụ, cục liên quan thuộc Tổng cục Hải quan.

Theo yêu cầu của Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc và đưa ra giải pháp tháo gỡ cho từng nội dung cụ thể. Với trách nhiệm và sự khẩn trương cao độ, tất cả vướng mắc đã được Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn kết luận về giải pháp tháo gỡ để thực hiện thống nhất trong toàn Ngành.

1. Về xác nhận, đóng dấu tờ khai giấy: Theo yêu cầu quản lí của các cơ quan quản lí chuyên ngành thì khi vận chuyển hàng hóa trên đường phải có tờ khai hải quan có xác nhận của cơ quan Hải quan và tờ khai hải quan dùng cho hoàn thuế tại cơ quan Thuế. Vì vậy, tờ khai hải quan điện tử sẽ phải thiết kế cho phép sử dụng cho cả 2 mục đích trên.

Tờ khai luồng Vàng, luồng Đỏ, cơ quan Hải quan sẽ in và xác nhận trên tờ khai giấy tại nơi đăng kí tờ khai; tờ khai luồng Xanh, DN tự in và xuất trình tại khu vực giám sát (của cơ quan Hải quan), cơ quan Hải quan kiểm tra để xác nhận phục vụ cho mục đích vận chuyển trên đường và hoàn thuế tại cơ quan Thuế nội địa.

Mẫu tờ khai in sẽ được thiết kế để đảm bảo những thông tin cần thiết cho việc hoàn thuế và vận chuyển trên đường.

2. Giới hạn tối đa 50 dòng hàng trên một tờ khai hải quan: Điểm a khoản 3 Điều 10 Thông tư 22/2014/TT-BTC quy định “Một tờ khai hải quan được khai tối đa 50 dòng hàng”. Để đảm bảo Hệ thống VNACCS vận hành ổn định, phản hồi tự động trong vòng 1 đến 3 giây việc giới hạn dung lượng mỗi lần khai báo đến Hệ thống VNACCS là hết sức cần thiết. Quy định trên để đảm bảo hiệu năng hoạt động của Hệ thống VNACCS, tránh những rủi ro do nghẽn đường truyền gây ảnh hưởng đến thời gian thông quan của hàng hóa.

Để giảm thiểu các chi phí phát sinh của DN khi áp dụng quy định mới, Tổng cục Hải quan sẽ quy định chỉ thu lệ phí cho tờ khai đầu tiên của lô hàng.

Một lô hàng có trên 50 dòng hàng được khai báo trên nhiều tờ khai, cơ quan Hải quan chỉ yêu cầu người khai xuất trình, nộp 1 bộ hồ sơ hải quan cho cả lô hàng khi tờ khai được phân luồng Vàng, luồng Đỏ. Người khai hải quan cũng chỉ phải lưu giữ 1 bộ hồ sơ tương ứng với các tờ khai đã khai báo.

Về kết quả phân luồng khác nhau giữa các tờ khai nhánh trong cùng một lô hàng, cơ quan Hải quan sẽ nghiên cứu quy định theo hướng phân luồng thống nhất dựa trên cơ sở đánh giá quá trình tuân thủ pháp luật hải quan của DN.

3. Một tờ khai chỉ khai báo cho một hóa đơn: Điểm c khoản 3 Điều 10 Thông tư 22/2014/TT-BTC quy định “Một tờ khai chỉ khai báo cho một hóa đơn”. Đây là quy định mang tính hỗ trợ người khai hải quan trong việc tính toán trị giá tính thuế và tính tổng số thuế khi Hệ thống VNACCS căn cứ thông tin hóa đơn để tự động phân bổ trị giá tính thuế và tính thuế của từng dòng hàng trên tờ khai.

Do loại hình chế xuất không bị quản lí bởi chính sách thuế và trị giá tính thuế, Tổng cục Hải quan tiếp thu ý kiến góp ý của DN (chế xuất) và quy định đối với hàng hóa XNK của đối tượng DN này, một mặt hàng có nhiều hợp đồng/đơn hàng, có một hoặc nhiều hóa đơn thương mại của một người bán hàng, cùng điều kiện giao hàng, giao hàng một lần và có một vận đơn thì người khai hải quan được khai trên một tờ khai hải quan.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn áp dụng khai nhiều hóa đơn trên một tờ khai cho các đối tượng khác.

4. Hàng hóa luân chuyển giữa các DN chế xuất cùng một tập đoàn: Quy định về việc hàng hóa luân chuyển giữa các DN chế xuất không cùng một KCX nhưng các DN chế xuất này thuộc một tập đoàn hay một hệ thống công ty thì được lựa chọn không phải làm thủ tục hải quan hoặc làm thủ tục hải quan theo loại hình XNK tại chỗ đã được quy định thống nhất tại điểm e3 khoản 5 Điều 24 Thông tư 22/2014/TT-BTC và điểm e3 khoản 3 Điều 49 Thông tư 128/2013/TT-BTC.

Đối với thủ tục hải quan điện tử, việc giám sát hàng hóa luân chuyển giữa các DN chế xuất được thực hiện theo quy định tại Điều 33 Thông tư 22/2014/TT-BTC.

5. Thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ đối với DN ưu tiên: Thực hiện Khoản 2 Điều 20 Thông tư 86/2013/TT-BTC khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử theo quy định tại Thông tư 22/2014/TT-BTC, DN ưu tiên và các đối tác thực hiện XK tại chỗ trước, NK tại chỗ sau. DN ưu tiên được khai tờ khai NK tại chỗ tương ứng với nhiều tờ khai XK tại chỗ và ghi nhận cụ thể các tờ khai XK tại chỗ tại “Phần ghi chú” trên Tờ khai hàng hóa NK.

6. Thông quan điện tử của hải quan: Trong giai đoạn đầu triển khai VNACCS/VCIS còn có một số vướng mắc trong kĩ năng khai báo của người khai hải quan và việc phối hợp giữa các Chi cục Hải quan đã và chưa triển khai Hệ thống nên phát sinh một số vướng mắc đối với hàng hóa XK. Cơ quan Hải quan sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả của thủ tục hải quan điện tử như: Hoàn thiện các hệ thống CNTT (vệ tinh) để đảm bảo VNACCS/VCIS vận hành thông suốt; ban hành các văn bản hướng dẫn các Chi cục Hải quan để kịp thời xử lí các vướng mắc, đẩy nhanh thời gian thông quan. 

7. Sự thiếu đồng bộ trong thông tin của ngành về lệ phí tờ khai: Để giảm thiểu các vướng mắc liên quan đến điều kiện ân hạn thuế, Bộ Tài chính sẽ có văn bản quy định về việc trao đổi dữ liệu điện tử giữa các ngân hàng thương mại - Kho bạc Nhà nước - Thuế - Hải quan. Đồng thời hướng dẫn DN có quá trình chấp hành tốt pháp luật hải quan được phép xuất trình chứng từ nộp tiền tại ngân hàng để phục vụ việc thông quan ngay trong trường hợp chưa kết nối để trao đổi thông tin nộp thuế giữa ngân hàng và hải quan.

Cơ quan Hải quan đã cải tiến quy định cho phép DN được nộp lệ phí theo tháng. Theo quy định thì việc nộp lệ phí hải quan không ảnh hưởng đến điều kiện ân hạn thuế và vấn đề hoàn thuế.

Trường hợp DN còn vướng mắc sẽ phản ánh kịp thời theo đường dây nóng hoặc gửi vướng mắc tại mục “Tiếp nhận vướng mắc vận hành Hệ thống VNACCS” trên website của Tổng cục Hải quan (www.customs.gov.vn).

8. Số lần sửa tờ khai là 9 lần nhưng khi đã hoàn thành việc khai hải quan, DN vẫn chưa được đảm bảo hàng hóa sẽ được thông quan: Quy định cho phép sửa tờ khai hải quan trước khi kiểm tra thực tế hàng hóa 9 lần là một ưu việt đối với thủ tục hải quan điện tử thực hiện theo Thông tư 22. Để tránh việc sửa đổi, bổ sung quá nhiều lần DN cần nghiên cứu kĩ các hướng dẫn khai báo các chỉ tiêu thông tin đã được quy định tại Phụ lục II Thông tư 22  và các hướng dẫn được đăng tải trên website của Tổng cục Hải quan.

Tổng cục Hải quan phấn đấu đến 30-9-2014 tỉ lệ tờ khai sửa chỉ chiếm 3% đến 5% tổng số tờ khai. Để thực hiện được việc này, Tổng cục Hải quan sẽ triển khai các giải pháp: Tổ chức đào tạo cho các công chức hải quan trong dây chuyền nghiệp vụ nắm vững kĩ thuật nghiệp vụ và thao tác trên Hệ thống. Xây dựng các cẩm nang hướng dẫn thao tác trên Hệ thống, mô tả các công việc cụ thể cần thực hiện trong dây chuyền nghiệp vụ phục vụ cho công chức hải quan thực hiện trong quá trình xử lí tờ khai. Tổ chức các khóa đào tạo miễn phí cho DN tại địa bàn để nắm vững các kĩ thuật khai báo trên Hệ thống trước khi triển khai chính thức.

9. Trường khai mã hàng hóa quá ngắn: Vấn đề độ dài của mã hàng hóa đã được cơ quan Hải quan ghi nhận và xử lí trước thời điểm triển khai chính thức Hệ thống. Theo đó đổi việc khai mã hàng hóa đảm bảo 8 kí tự theo đúng quy định tại Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam. Đối với mã nguyên phụ liệu, mã sản phẩm XK phục vụ cho việc thanh khoản, hoàn thuế cho phép khai tối đa 48 kí tự.

Thái Bình

Theo Báo Hải quan

Chia sẻ bài viết lên facebook 5,647

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079