26 tỉnh, thành phía Bắc căn cứ diễn biến mưa lũ quyết định việc cho học sinh nghỉ học (Hình từ internet)
Ngày 06/9/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 88/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Theo đó, Công điện gửi:
- Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc;
- Bộ trưởng các Bộ Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Ngoại giao, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo báo cáo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia thì từ ngày 07 /9/2024, bão sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ gây gió mạnh, mưa lớn (lượng mưa phổ biến 100- 350mm, cục bộ có nơi trên 500mm), nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ quét ở trung du và miền núi. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
- Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện 86/CĐ-TTg ngày 03/9/2024 và Công điện 87/CĐ-TTg ngày 05/9/2024, tập trung ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng và tải sản cho người dẫn và nhà nước.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên, căn cứ diễn biến tình hình bão, mưa lũ thực tế tại địa phương khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc thực sự cần thiết; quyết định việc cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn.
- Giao các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ theo lĩnh vực công tác được phân công, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Công điện này.
Như vậy, 26 tỉnh, thành phía Bắc căn cứ diễn biến mưa lũ tại địa phương khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc thực sự cần thiết; quyết định việc cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn.
Tại Công điện 87/CĐ-TTg năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương nêu trên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão với tinh thần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Bên cạnh đó, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nêu trên đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công từng đồng chí trong Thường vụ, thường trực Ủy ban trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ, trong đó tập trung:
- Rà soát kỹ, triển khai ngay công tác bảo đảm an toàn đối với các hoạt động trên biển, đảo; bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển (đặc biệt là tàu thuyền ở khu vực Vịnh Bắc Bộ và ven biển từ Hà Tĩnh trở ra) và tại nơi tránh trú.
- Bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, tàu thuyền tại nơi tránh trú, khu vực có nguy cơ ngập sâu do sóng lớn, nước dâng, mưa lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét không bảo đảm an toàn, kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân).
- Chỉ đạo đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập, an toàn giao thông, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp.
- Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi bão, lũ.
- Xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão, lũ; xử lý nghiêm chủ doanh nghiệp, phương tiện, tàu thuyền, lồng bè không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng và lực lượng có thẩm quyền trong công tác phòng, chống bão.
-Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản.
Xem thêm nội dung tại Công điện 87/CĐ-TTg ban hành ngày 05/9/2024.