Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm nói về Hoàng Sa, Trường Sa

22/07/2011 08:09 AM

"Lập trường của ta rất rõ. Về Hoàng Sa, chỉ có Trung Quốc và Việt Nam. Các nước khác không liên quan. Đó là vùng thuộc chủ quyền của ta nhưng Trung Quốc đã hai lần xâm phạm. Như vậy, với vấn đề Hoàng Sa thì có thể giải quyết bằng con đường thỏa thuận song phương".

- Chia sẻ với báo giới bên hành lang Quốc hội sáng nay (21/7), nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm nói, Trường Sa và Hoàng Sa đều có từ lâu, không ai có thể xuyên tạc lịch sử được.

Ông Cầm nói: Quan điểm của Việt Nam là luôn luôn giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình nhưng rõ ràng.

Mặt khác, các vấn đề phải được giải quyết dựa trên hai cơ sở. Một là luật pháp quốc tế, điều mà đã được cả thế giới thừa nhận. Thứ hai là Công ước quốc tế về luật Biển 1982 của Liên hợp quốc. Những quy định này thể hiện rất rõ chúng ta có quyền về hàng hải, đặc quyền kinh tế trên vùng biển của mình.

Ông Nguyễn Mạnh Cầm là khách mời tại phiên khai mạc Quốc hội. Ảnh: Lê Anh Dũng
Chúng ta phải làm rõ cho thế giới biết chủ quyền của chúng ta đã xác định từ lâu. Trường Sa và Hoàng Sa đều có từ lâu, không ai có thể xuyên tạc lịch sử được. Chúng ta phải làm cho không chỉ nhân dân trong nước ủng hộ mà thế giới cũng thấy rõ điều đó để ủng hộ lập trường của chúng ta. 

Tôi tin rằng lập trường nói trên của Việt Nam sẽ được ủng hộ. Dù người ta có gây vấn đề gì phức tạp cũng không thể xóa bỏ được thực tế này.

Lập trường của ta rất rõ

Trung Quốc luôn khăng khăng đòi giải quyết vấn đề Biển Đông trên cơ sở thỏa thuận song phương. Vậy đối sách của Việt Nam là gì?

- Lập trường của ta rất rõ. Về Hoàng Sa, chỉ có Trung Quốc và Việt Nam. Các nước khác không liên quan. Đó là vùng thuộc chủ quyền của ta nhưng Trung Quốc đã hai lần xâm phạm. Như vậy, với vấn đề Hoàng Sa thì có thể giải quyết bằng con đường thỏa thuận song phương.

Nhưng Trường Sa thì có nhiều bên liên quan vì còn có nhiều vấn đề về hàng hải, tự do chở dầu, hàng hóa. Đồng thời liên quan đến vấn đề đường chữ U.

Vấn đề này không thể giải quyết song phương được mà phải giải quyết đa phương.

Tuy rằng Trung Quốc muốn giải quyết song phương, nhưng tôi tin rằng bằng cách này hay cách khác cuối cùng thì họ cũng sẽ phải đồng ý giải quyết đa phương vì như vậy mới xử lý được vấn đề.

Từ sau vụ việc tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Việt Nam đến các diễn đàn khu vực gần đây tình hình đã có những chuyển biến tích cực hơn. Theo ông, các bước đi tiếp theo của chúng ta là gì?

- Việt Nam vẫn phải làm cho thế giới thấy rõ hơn vấn đề chủ quyền trên Biển Đông, trình bày đầy đủ các vấn đề mang tính lịch sử.

Khi bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn, họ sẽ ủng hộ quan điểm của chúng ta vì từ rất lâu rồi Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền trên vùng biển của mình.

Thông tin tuyên truyền là rất cần thiết. Thông tin tuyên truyền tốt bạn bè quốc tế sẽ biết và ủng hộ mình. Càng tranh thủ được sự ủng hộ của thế giới thì càng nhận được nhiều sự ủng hộ và không ai có thể xâm phạm được.

Không ai lật lại được lẽ phải

Riêng với vấn đề đường lưỡi bò mà cả thế giới đều thừa nhận là vô lý nhưng ở trong nước, Trung Quốc vẫn liên tục tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng là Việt Nam xâm phạm chủ quyền. Có ý đồ gì trong việc tuyên truyền này, thưa ông? 

- Họ phải nói như thế để bảo vệ quan điểm đã đưa ra, bảo vệ đường lưỡi bò. Thực ra thế giới không ai thừa nhận đường lưỡi bò phi lý đó vì hoàn toàn không đúng sự thật. Không ai có thể chiếm lĩnh cả vùng biển to lớn như thế làm lãnh hải của mình như vậy.

Nhưng trong lúc Trung Quốc tuyên truyền nhiều như vậy, chúng ta cũng phải thông tin cho rõ để thấy điều đó sai như thế nào vì quốc tế không phải nước nào cũng hiểu và quan tâm.

Tôi vẫn cho rằng, tới đây công tác thông tin tuyên truyền của mình cần mạnh hơn nữa.

Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội tình hình Biển Đông. Theo ông, tại kỳ họp lần này, Quốc hội có nên ra Nghị quyết khẳng định lập trường, thái độ và những việc cần làm với vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hay không?

Theo chương trình nghị sự thì Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Chính phủ về Biển Đông.

Khi đó, tất nhiên Quốc hội sẽ trao đổi, cho ý kiến nhưng quan điểm của ta là phải nói rõ và nói cho dân hiểu bằng nhiều cách.

Như vừa rồi chúng ta cũng có một số biện pháp tuyên truyền để giúp nhân dân hiểu rõ lịch sử của 2 quần đảo, lẽ phải của chúng ta ở đâu và luận điệu sai trái của Trung Quốc.

Nhưng tới đây, chúng ta vẫn tiếp tục phải tuyên truyền để nhân dân hiểu hơn.

Vừa qua chúng ta đề cập đến việc phải đưa nội dung này vào chương trình học phổ thông. Tất cả những việc làm này, sự ủng hộ của toàn dân tộc, cộng thêm dư luận quốc tế sẽ giúp chúng ta bảo vệ được chủ quyền của mình.

Lê Nhung (ghi)


Bảo vệ chủ quyền: Công khai để thống nhất lòng dân
"Công khai thông tin, tuyên truyền thống nhất, bày tỏ thái độ rõ ràng để tạo sự đồng thuận trong nhân dân là một nhân tố cốt tử để bảo vệ Tổ quốc", GS, TS Hồ Trọng Ngũ nói.
 
Tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo vệ chủ quyền
Bảo đảm nguồn lực để tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ - PTT Nguyễn Sinh Hùng nói trước QH sáng nay.


Chia sẻ bài viết lên facebook 5,983

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079