Công nhận nghề truyền thống sản xuất bánh tráng tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TPHCM (Hình từ Internet)
UBND TPHCM ban hành Quyết định 4568/QĐ-UBND ngày 14/10/2024 về công nhận nghề truyền thống sản xuất bánh tráng tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TPHCM.
Quyết định 4568/QĐ-UBND |
Theo đó, UBND TPHCM công nhận nghề truyền thống sản xuất bánh tráng tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi với những nội dung sau:
- Tên nghề truyền thống: nghề sản xuất bánh tráng.
- Địa chỉ: xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh
- Nghề truyền thống sản xuất bánh tráng tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi được Ủy ban nhân dân Thành phố cấp bằng công nhận, được hưởng các chính sách ưu đãi về phát triển ngành nghề nông thôn theo quy định tại Nghị định 52/2018/NĐ-CP và các quy định hiện hành.
Xem thêm tại Quyết định 4568/QĐ-UBND có hiệu lực thi hành từ ngày 14/10/2024.
Nghề truyền thống là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 52/2018/NĐ-CP thì nghề truyền thống là nghề đã được hình thành từ lâu đời, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có tính riêng biệt, được lưu truyền và phát triển đến ngày nay hoặc có nguy cơ bị mai một, thất truyền.
Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 52/2018/NĐ-CP thì nghề được công nhận là nghề truyền thống phải đạt cả 03 tiêu chí sau:
- Nghề đã xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm và hiện đang tiếp tục phát triển tính đến thời điểm đề nghị công nhận.
- Nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc.
- Nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề.
Hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 52/2018/NĐ-CP gồm:
- Bản tóm tắt quá trình hình thành, phát triển của nghề truyền thống.
- Bản sao giấy chứng nhận, huy chương đã đạt được trong các cuộc thi, triển lãm trong nước và quốc tế hoặc có tác phẩm đạt nghệ thuật cao được cấp tỉnh, thành phố trở lên trao tặng (nếu có). Đối với những tổ chức, cá nhân không có điều kiện tham dự các cuộc thi, triển lãm hoặc không có tác phẩm đạt giải thưởng thì phải có bản mô tả đặc trưng mang bản sắc văn hóa dân tộc của nghề truyền thống.
- Bản sao giấy công nhận Nghệ nhân nghề truyền thống của cơ quan có thẩm quyền (nếu có).
Trình tự xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống theo khoản 4 Điều 6 Nghị định 52/2018/NĐ-CP như sau:
- Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) lập hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống theo tiêu chí quy định tại Điều 5 Nghị định 52/2018/NĐ-CP trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xét công nhận.
- Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng xét duyệt, chọn những đối tượng đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 5 Nghị định 52/2018/NĐ-CP, ra quyết định và cấp bằng công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.
Theo Điều 4 Nghị định 52/2018/NĐ-CP thì các hoạt động ngành nghề nông thôn quy định trong Nghị định 52/2018/NĐ-CP bao gồm:
- Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản.
- Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
- Xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn.
- Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ.
- Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh.
- Sản xuất muối.
- Các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.