Đề xuất các tuyến quốc lộ được phân cấp cho các tỉnh, thành phố quản lý (Hình từ internet)
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Thông tư quy định về phân cấp quản lý quốc lộ.
Hiện nay chiều dài quốc lộ đang có xu hướng tăng lên theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1454/QĐ-TTg ngày 04/9/2021. Đặc biệt là các tuyến đường cao tốc đang được đầu tư xây dựng, chuẩn bị đưa vào khai thác, dự kiến trong năm 2025 sẽ đưa vào khai thác 3.000km, đến năm 2030 đưa vào khai thác 5.000 km.
Đồng thời thực hiện chủ trương của Đảng, của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và phù hợp với quy định về phân cấp, ủy quyền theo quy định của Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Vì thế, việc ban hành dự thảo Thông tư phân cấp quản lý quốc lộ là cần thiết hiện nay.
Theo đó, dự thảo Thông tư đề xuất quy định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý quốc lộ theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 Luật Đường bộ 2024.
Dưới đây là danh sách các tuyến, đoạn tuyến quốc lộ được phân cấp cho UBND các tỉnh, thành phố quản lý, tại Phụ lục ban hành kèm theo dự thảo Thông tư:
Phụ lục các tuyến, đoạn tuyến quốc lộ được phân cấp |
Cũng theo dự thảo Thông tư đã đề xuất quy định tiêu chí về quốc lộ phân cấp như sau:
Bộ Giao thông vận tải phân cấp cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có quốc lộ đi qua địa bàn thực hiện việc quản lý, đầu tư, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ đối với tuyến, đoạn tuyến quốc lộ, trừ các trường hợp quy định tại (1), (2), (3), (4), và (5):
(1) Quốc lộ đã giao, bàn giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc quản lý theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ 2024, Điều 77 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024.
(2) Tuyến, đoạn tuyến quốc lộ là đường bộ cao tốc do Bộ Giao thông vận tải đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng;
(3) Tuyến, đoạn tuyến tham gia mạng lưới đường bộ quốc tế; quốc lộ đi qua ba vùng kinh tế - xã hội trở lên;
(4) Tuyến, đoạn tuyến quốc lộ do doanh nghiệp nhà nước đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác;
(5) Tuyến, đoạn tuyến quốc lộ do nhà đầu tư, tổ chức kinh tế đang quản lý, vận hành theo hợp đồng đối tác công tư, hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng cho thuê tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ.
Xem thêm tại dự thảo Thông tư.
- Đường chính là đường phục vụ giao thông chủ yếu trong khu vực, kết nối giao thông các khu vực, vùng.
- Đường nhánh là đường nối vào đường chính, có chức năng kết nối giao thông các khu vực hai bên đường chính; kết nối giao thông từ đường gom vào đường chính thông qua nút giao.
- Đường gom là đường để gom hệ thống đường giao thông nội bộ của các khu đô thị, công nghiệp, kinh tế, dân cư, thương mại - dịch vụ và các đường khác vào đường chính hoặc vào đường nhánh trước khi đấu nối vào đường chính. Đường gom có thể là đường bên theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Luật Đường bộ 2024.
- Đường bên là đường được xây dựng bên cạnh các đoạn đường chính để ngăn cách giao thông khu vực hai bên đường với đường chính. Đường bên được tách khỏi đường chính hoặc ngăn cách với đường chính bằng dải phân cách, tường bảo vệ, rào chắn.
- Đường dành cho giao thông công cộng là đường phục vụ cho tất cả mọi người, phương tiện giao thông đường bộ theo quy định của Luật Đường bộ 2024 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Đường nội bộ là đường trong phạm vi khu chung cư, đô thị, công nghiệp, kinh tế, thương mại - dịch vụ, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác và chỉ phục vụ các đối tượng được phép vào, ra bên trong phạm vi các khu vực quy định tại khoản 6 Điều 9 Luật Đường bộ 2024.
- Đường dành riêng cho người đi bộ, người đi xe đạp và các đường khác.
(Điều 9 Luật Đường bộ 2024)