Nông dân chán ruộng vì chính sách thu mua tạm trữ

14/06/2014 08:21 AM

Mấy năm nay, chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo tại ĐBSCL cứ diễn ra hết vụ này đến vụ khác để “cứu nông dân”. Tuy nhiên, nhiều đại biểu tham dự hội nghị sơ kết công tác thu mua tạm trữ diễn ra tại Long An ngày 11.6 cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế và nông dân trồng lúa sẽ còn khổ dài dài...

Báo cáo “đẹp”

Ông Võ Thành Đô - Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông - lâm - thuỷ sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) - cho biết: “Đợt tạm trữ từ ngày 15.3 – 30.4.2014, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã giao cho 133 thương nhân thu mua tạm trữ. Kết quả tạm trữ được 995.494 tấn gạo, đạt 99,55% kế hoạch, chỉ có 3 doanh nghiệp (DN) không mua đạt chỉ tiêu với số lượng 4.506 tấn. 

Trong thời gian triển khai thu mua đã có 16 NHTM cho các DN vay đạt doanh số 8.256,49 tỉ đồng, lãi suất từ 6,5 - 7%/năm. Nhờ vậy giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL đã tăng từ 100 – 200 đồng/kg, giá gạo tăng từ 50 - 100 đồng, giá gạo thành phẩm xuất khẩu các loại cũng tăng từ 150 - 200 đồng/kg so với trước thời điểm mua tạm trữ, đảm bảo cho người trồng lúa có lãi 30%, qua đó đã giữ được mặt bằng xuất khẩu, hạn chế tình trạng ép giá, phá giá của thương nhân nước ngoài cũng như thương nhân trong nước”. Theo tài liệu được phát tại hội nghị, hầu hết các DN đều đạt chỉ tiêu 100% - một con số rất đẹp.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám, việc tổ chức thu mua tạm trữ lúa gạo là giải pháp bình ổn giá của Chính phủ để giúp nông dân sản xuất lúa có lãi trên 30%. Đây là việc rất quan trọng, nhưng thực ra việc tạm trữ là giải pháp trước mắt, còn về lâu về dài là việc tái cơ cấu nông nghiệp, nhằm sớm thoát khỏi bài toán thu mua tạm trữ như hiện nay. 

Theo báo cáo của NHNN, kết quả cho vay thu mua tạm trữ vụ đông-xuân 2013 – 2014, doanh số cho vay là 8.256 tỉ đồng – tương đương với khối lượng thu mua tạm trữ là 978.377 tấn quy gạo. Hầu hết các ngân hàng đều áp dụng mức lãi suất cho vay là 7%/năm. Riêng TCty Lương thực Miền Bắc được vay tại Ngân hàng TMCP Công Thương VN với lãi suất 6,5%/năm.

Thực tế nông dân không có lợi nhiều khi áp dụng chính sách này. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ NNPTNT, sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định hỗ trợ mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vào ngày 15.3, giá lúa nhích dần, tăng khoảng 150 – 200 đồng/kg cho đến cuối tháng 3. Qua đầu tháng 4 thì giá lúa gạo giảm nhẹ. 

Diện tích canh tác mỗi nông hộ ở ĐBSCL bình quân từ 0,3 – 05ha, giả sử năng suất lúa đạt tới 8 tấn/ha thì với giá tăng này, mỗi hộ dân cũng chỉ tăng thêm vài trăm ngàn đồng – tức không giải quyết được vấn đề gì đối với cuộc sống. Đó là chưa kể, nếu tính toán bài toán ưu đãi lãi suất cho DN và cái lợi nông dân thu lại, chưa biết lời hay lỗ!

Nông dân chán ruộng

Ông Nguyễn Thanh Hùng - GĐ Sở Công Thương Hậu Giang - cho rằng, chính sách thu mua tạm trữ chỉ áp dụng trong thời gian ngắn, trong khi vụ mùa người nông dân thu hoạch kéo dài nên nhiều nông dân sẽ không bán được theo chương trình này. Ông nói nông dân chán ruộng lắm rồi, kẹt lắm họ mới phải làm. 

Ông Nguyễn Ngọc Nam – Phó Tổng Giám đốc TCty Lương thực MN - cho rằng, chương trình thu mua tạm trữ chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài phải thực hiện chuỗi liên kết trong sản xuất. “Nếu Chính phủ hỗ trợ thì phải hỗ trợ dân, từ giống, vật tư phân bón đến thu hoạch thì mới phát triển bền vững được” - ông Nam nói.

Ông Nguyễn Thanh Nguyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho rằng, cần xem xét lại chính sách an ninh lương thực để giảm áp lực trồng lúa đối với nông dân. Ông nêu dẫn chứng: “Mỗi năm ta dư thừa đến 6 triệu tấn gạo để xuất khẩu, trồng lúa thì chỉ 3 tháng là thu hoạch, nên an ninh lương thực cần phải xem lại. Chỉ riêng Long An, mỗi năm phải nhập cả triệu tấn bắp làm thức ăn gia súc. Tại sao chúng ta cứ lo làm lúa cho nhiều mà bán không được? Tôi thấy cần thiết ngành nông nghiệp có những kiến nghị chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vì nếu lấy lý do an ninh lương thực rồi giữ mãi cây lúa, để dân khổ là không được”. 

Liên quan đến tiêu chí “nông dân lãi 30%” (báo cáo tại hội nghị là nông dân lãi từ 35,5 - 40,6%!), ông Nguyễn Quốc Việt – Phó ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ - đề nghị: “Bộ Tài chính tính toán nông dân có lời 30%, nhưng tôi thấy nông dân khó lời được con số này. Tôi đề nghị Bộ Tài chính kết hợp với Bộ NNPTNT, đi đến các vùng trồng lúa rồi tính toán lại. Đối với việc thu mua tạm trữ, nếu sắp tới vẫn áp dụng thì phải tính sớm và chủ động hơn. Tôi cho rằng thời gian qua vẫn còn bị động”.

Hữu Danh

Theo Lao Động

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,238

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079