Đã có Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã công bố bản Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng sẽ thay thế Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (đã được sửa đổi, bổ sung).
Cụ thể, cấu trúc của Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng mới nhất sẽ có 04 chương và 74 điều luật.
Dự thảo Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Trong đó, các vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng bao gồm:
- Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng giấy phép;
- Vi phạm quy định về tổ chức, quản trị, điều hành;
- Vi phạm quy định về cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp;
- Vi phạm quy định về huy động vốn và phí cung ứng dịch vụ;
- Vi phạm quy định về cấp tín dụng, nhận ủy thác, ủy thác và hoạt động liên ngân hàng;
- Vi phạm quy định về hoạt động thông tin tín dụng và hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng;
- Vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng;
- Vi phạm quy định về thanh toán, quản lý tiền tệ và kho quỹ;
- Vi phạm quy định về mua, đầu tư vào tài sản cố định và kinh doanh bất động sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
- Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
- Vi phạm quy định về bảo hiểm tiền gửi;
- Vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền; phòng, chống tài trợ khủng bố; phòng, chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;
- Vi phạm quy định về chế độ thông tin, báo cáo;
- Vi phạm quy định về cản trở việc thanh tra, không thực hiện yêu cầu của người có thẩm quyền;
- Vi phạm quy định về mua, bán và xử lý nợ;
- Vi phạm quy định về an toàn công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng.
Trường hợp có quy định khác nhau về hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền; phòng, chống tài trợ khủng bố; phòng, chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giữa Dự thảo Nghị định này và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực khác thì thực hiện theo quy định tại Nghị định đó.
Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, trong đó các tổ chức đó bao gồm:
- Tổ chức tín dụng; đơn vị phụ thuộc của tổ chức tín dụng (chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước);chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng;
- Doanh nghiệp; đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện);
- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; đơn vị trực thuộc của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (chi nhánh, văn phòng đại diện);
- Các tổ chức khác được thành lập, hoạt động tại Việt Nam.
Nếu được ban hành chính thức, Dự thảo Nghị định này sẽ thay thế cho Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, Nghị định 143/2021/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 88/2019/NĐ-CP.