Danh sách các Bộ thuộc Chính phủ sau khi tinh gọn bộ máy

02/12/2024 16:29 PM

Sau khi tinh gọn bộ máy theo đề xuất thì danh sách các Bộ thuộc Chính phủ gồm những bộ nào?

Danh sách các Bộ thuộc Chính phủ sau khi tinh gọn bộ máy

Danh sách các Bộ thuộc Chính phủ sau khi tinh gọn bộ máy (Dự kiến) (Hình từ internet)

1. Danh sách các Bộ thuộc Chính phủ sau khi tinh gọn bộ máy (Dự kiến)

Theo phương án nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ thì sẽ giảm được 5 bộ như sau:

- Sáp nhập Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.

- Sáp nhập Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng.

- Sáp nhập Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, chuyển đổi số…Và chuyển một số nhiệm vụ khác về: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan.

- Sáp nhập Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên môi trường...; chuyển một số nhiệm vụ khác về các bộ và các cơ quan liên quan.

- Kết thúc hoạt động của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chuyển nhiệm vụ về: Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Dân tộc và các cơ quan liên quan.

Như vậy, danh sách các Bộ thuộc Chính phủ sau khi tinh gọn bộ máy (Dự kiến) bao gồm:

1. Bộ Quốc phòng

2. Bộ Công an

3. Bộ Ngoại giao

4. Bộ Nội vụ

5. Bộ Tư pháp

6. Bộ Công Thương

7. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

8. Bộ Giáo dục và Đào tạo

9. Bộ Y tế

10. Bộ được thành lập khi sáp nhập Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính

11. Bộ được thành lập khi sáp nhập Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng

12. Bộ được thành lập khi sáp nhập Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ

13. Bộ được thành lập khi sáp nhập Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

>>> Xem thêm: 

Danh sách các Ủy ban của Quốc hội sau khi tinh gọn bộ máy (Dự kiến)

Thời gian báo cáo Trung ương Phương án sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị

Các cơ quan trước đây đã sắp xếp bước đầu cũng phải rà soát đề xuất sắp xếp lại bên trong khi tinh gọn bộ máy

2. Nhiệm vụ tinh gọn bộ máy đối với hệ thống tổ chức của Nhà nước ở Trung ương theo Nghị quyết 18

- Thực hiện tăng tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách theo mục tiêu đã đề ra; nghiên cứu việc giảm hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp. Quy định số lượng với tỉ lệ hợp lý giữa lãnh đạo, uỷ viên thường trực, uỷ viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội theo hướng giảm số lượng cấp phó và uỷ viên thường trực. Sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong của Văn phòng Quốc hội theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

- Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục thực hiện đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, luật pháp, cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành và hiệu quả tổ chức thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành.

- Khẩn trương rà soát, cương quyết sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác giữa các bộ, ngành và các tổ chức trực thuộc các bộ, ngành; khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ để một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Rà soát, sắp xếp theo hướng giảm các tổ chức phối hợp liên ngành, nhất là các tổ chức có bộ phận giúp việc chuyên trách.

- Các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số lượng tổng cục, cục, vụ, phòng; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ, trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định. Giảm tối đa các ban quản lý dự án. Kiên quyết hợp nhất, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để thu gọn đầu mối, giảm biên chế; thực hiện cơ chế khoán kinh phí theo nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra. Chuyển một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm.

- Rà soát nhiệm vụ, quyền hạn để phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương để góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; quy định rõ cơ chế phân cấp, uỷ quyền và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khi được phân cấp, uỷ quyền giữa các cấp chính quyền địa phương.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính gắn kết chặt chẽ với việc kiện toàn tổ chức, giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian, tinh giản biên chế của các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân.

- Đối với một số lĩnh vực được tổ chức theo ngành dọc, như: Thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội... tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức theo khu vực liên tỉnh hoặc liên huyện để thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng tổ chức bộ máy phù hợp với việc phân cấp ngân sách nhà nước, phát huy vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và chủ động của ngân sách địa phương.

- Quân uỷ Trung ương, Đảng uỷ Công an Trung ương xây dựng đề án riêng rà soát, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng quân đội, công an theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang, phù hợp với quy định chung của hệ thống chính trị và tính đặc thù của từng lực lượng.

- Tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới, như: Ngành giao thông - xây dựng; tài chính - kế hoạch đầu tư; lĩnh vực dân tộc - tôn giáo…

- Tiếp tục nghiên cứu, từng bước sắp xếp thu gọn đầu mối cơ quan điều tra đáp ứng yêu cầu công tác điều tra hình sự, phòng, chống tội phạm và phù hợp với tổ chức, hoạt động của viện kiểm sát nhân dân, toà án nhân dân theo tinh thần cải cách tư pháp.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, phạm vi hoạt động, mối quan hệ công tác của Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan kiểm tra, thanh tra các cấp để không chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ.

(Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả)

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 110,236

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079