04 quy định về công chứng điện tử từ ngày 01/7/2025 (Hình từ Internet)
Quốc hội thông qua Luật Công chứng 2024 ngày 26/11/2024. Sau đây là các quy định về công chứng điện tử theo Điều 62, 63, 64 và 65 Luật Công chứng 2024:
Nguyên tắc và phạm vi công chứng điện tử như sau:
- Công chứng điện tử là việc công chứng được thực hiện bằng phương tiện điện tử để tạo lập văn bản công chứng điện tử, tuân thủ nguyên tắc quy định tại Điều 5 Luật Công chứng 2024 và các nguyên tắc sau đây:
+ Bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu và bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật; thông tin trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu;
+ Công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng được cung cấp dịch vụ công chứng điện tử khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 63 Luật Công chứng 2024.
- Căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu và khả năng cung cấp dịch vụ công chứng điện tử trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định về phạm vi các giao dịch được công chứng điện tử.
Điều kiện cung cấp dịch vụ công chứng điện tử như sau:
- Công chứng viên được cung cấp dịch vụ công chứng điện tử khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
+ Có tài khoản để thực hiện công chứng điện tử;
+ Có chữ ký số và sử dụng dịch vụ cấp dấu thời gian theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
- Tổ chức hành nghề công chứng được cung cấp dịch vụ công chứng điện tử khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
+ Có tài khoản để thực hiện công chứng điện tử;
+ Có chữ ký số và sử dụng dịch vụ cấp dấu thời gian theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;
+ Có đủ trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công chứng điện tử.
Văn bản công chứng điện tử được quy định như sau:
- Văn bản công chứng điện tử là chứng thư điện tử được tạo lập theo nguyên tắc và phạm vi quy định tại Điều 62 Luật Công chứng 2024:
+ Văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan, là cơ sở để các bên tham gia giao dịch đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các thủ tục liên quan đến giao dịch đã được công chứng.
+ Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
- Văn bản công chứng điện tử có hiệu lực kể từ thời điểm được ký bằng chữ ký số của công chứng viên và chữ ký số của tổ chức hành nghề công chứng.
- Văn bản công chứng điện tử có giá trị pháp lý theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Luật Công chứng 2024.
- Việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản công chứng điện tử và văn bản công chứng giấy được thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Văn bản công chứng được chuyển đổi có giá trị như bản gốc khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, trừ trường hợp pháp luật quy định loại văn bản đó được chuyển giao quyền sở hữu và chỉ được tồn tại dưới một hình thức duy nhất.
Quy trình, thủ tục, hồ sơ công chứng điện tử như sau:
- Việc công chứng điện tử được thực hiện theo quy trình công chứng điện tử trực tiếp hoặc công chứng điện tử trực tuyến và được quy định như sau:
+ Công chứng điện tử trực tiếp là việc người yêu cầu công chứng giao kết giao dịch trước sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên; công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận giao dịch bằng chữ ký số để tạo ra văn bản công chứng điện tử;
+ Công chứng điện tử trực tuyến là việc các bên tham gia giao dịch có yêu cầu công chứng không có mặt tại cùng một địa điểm và giao kết giao dịch thông qua phương tiện trực tuyến trước sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên; công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận giao dịch bằng chữ ký số để tạo ra văn bản công chứng điện tử.
- Thủ tục công chứng điện tử thực hiện theo quy định tại Mục 1 và Mục 2 Chương V Luật Công chứng 2024.
Luật Công chứng 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Luật Công chứng 2014 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 28/2018/QH14 và Luật số 16/2023/QH15 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Công chứng 2024 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 6, 7, 9, 11, 12 và 14 Điều 76 Luật Công chứng 2024.