11 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ từ 01/7/2025 (Hình từ internet)
Ngày 29/11/2024, Quốc hội thông qua Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ 2024 quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; lực lượng, phương tiện, bảo đảm điều kiện hoạt động và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Theo đó, tại Điều 14 Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ 2024 quy định 11 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ bao gồm:
(1) Cố ý gây cháy, nổ, tai nạn, sự cố hoặc kích động, xúi giục, dụ dỗ người khác gây cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại về người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến kinh tế, môi trường, an ninh, trật tự.
(2) Xúc phạm, đe dọa, cản trở, chống đối lực lượng thực hiện nhiệm vụ và người tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
(3) Lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
(4) Lợi dụng việc tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
(5) Làm giả, làm sai lệch kết quả thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, kết quả kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
(6) Báo cháy giả; báo tình huống cứu nạn, cứu hộ giả.
(7) Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hàng hóa, chất, vật phẩm nguy hiểm về cháy, nổ.
(8) Chuyển đổi, bổ sung công năng sử dụng công trình, hạng mục công trình không bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
(9) Kinh doanh phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có chất lượng không đúng với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
(10) Chiếm đoạt, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; tự ý thay đổi, di chuyển, che khuất phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, biển báo, biển chỉ dẫn đã được trang bị theo quy định; cản trở lối thoát nạn; làm mất tác dụng của lối thoát nạn, đường thoát nạn, ngăn cháy lan.
(11) Lấn chiếm, bố trí vật cản gây cản trở hoạt động của phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cơ giới.
Phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động, sinh sống trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong đó, công dân từ đủ 18 tuổi trở lên, đủ sức khỏe có trách nhiệm tham gia vào Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành hoặc Đội dân phòng khi có yêu cầu.
Đồng thời, mỗi cá nhân có trách nhiệm sau đây:
- Chấp hành quy định, nội quy, biện pháp, yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
- Tìm hiểu kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và kỹ năng thoát nạn, sử dụng dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thông dụng;
- Bảo đảm an toàn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, chất dễ cháy, nổ;
- Phát hiện, ngăn chặn nguy cơ trực tiếp gây cháy, nổ và các hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong điều kiện, khả năng cho phép;
- Tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi được cơ quan, người có thẩm quyền huy động; chấp hành yêu cầu, quyết định của người chỉ huy chữa cháy, người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ khi tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
(Khoản 1, 2, 7 Điều 8 Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ 2024)