1. Về phạm vi và đối tượng điều chỉnh
- Về phạm vi điều chỉnh
Điều 1 Luật 2013 đã kết cấu lại và làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh về:
(i) Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước;
(ii) Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên;
(iii) Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
- Về đối tượng áp dụng
Điều 2 Luật 2013 quy định đối tượng áp dụng gồm 3 nhóm đối tượng là:
(i) Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động trong khu vực nhà nước;
(ii) cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên;
(iii) tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khác.
2. Về nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Điều 4 Luật 2013 đã bổ sung, làm rõ nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:
(i) Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên từ chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện gắn với kiểm tra, giám sát (Khoản 1 Điều 4);
(ii) Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải gắn với cải cách hành chính và bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị (Khoản 3 Điều 4).
3. Công khai về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Luật 2013 đã bổ sung việc quy định xác định công khai trong quản lý ngân sách nhà nước, vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và các nguồn tài nguyên là biện pháp để bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (Khoản 1 Điều 5).
Đồng thời, để tạo điều kiện cho việc giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như tăng tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật, Luật 2013 đã bổ sung quy định công khai kết quả thực hành tiết kiệm; hành vi lãng phí và kết quả xử lý hành vi lãng phí tại Điểm g Khoản 2 Điều 5.
4. Về định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm căn cứ thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Để khắc phục các mặt hạn chế liên quan đến việc ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm căn cứ thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí những năm qua, xác định định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm căn cứ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, căn cứ để kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí cho phù hợp với tình hình và cơ chế chính sách hiện nay, Luật 2013 đã sửa đổi, bổ sung làm rõ 3 nhóm định mức, tiêu chuẩn, chế độ (Điều 11), bao gồm:
(i) Định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật, áp dụng chung trong cả nước hoặc trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương;
(ii) Định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước và các nguồn tài nguyên ban hành theo thẩm quyền;
(iii) định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định tại quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, tổ chức được xây dựng và ban hành đúng pháp luật.
Theo đó, hệ thống định mức, tiêu chuẩn không chỉ là định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành mà còn là định mức, tiêu chuẩn do cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước.
5. Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và của cán bộ công chức, viên chức
Luật 2013 đã quy định cụ thể về trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, Luật 2013 đã bổ sung trách nhiệm giải trình trước về việc xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức mình (Khoản 3 Điều 7); giải trình và chịu trách nhiệm cá nhân về việc để xảy ra lãng phí thuộc phạm vi quản lý, sử dụng của cán bộ, công chức, viên chức (Khoản 2 Điều 8).
Đồng thời, Luật 2013 cũng quy định cụ thể về các trường hợp phải xử lý vi phạm và bồi thường thiệt hại, trong đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có hành vi vi phạm, để xảy ra lãng phí ngoài trách nhiệm giải trình còn có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm liên đới cũng được đặt ra với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên nếu để xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới và trong đơn vị cấp phó của mình trực tiếp phụ trách (Điều 78).
6. Về phát hiện lãng phí và trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí
Đây được coi là điểm mới quan trọng trong Luật 2013, tạo cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát hiện và cung cấp kịp thời các thông tin về lãng phí góp phần ngăn chặn lãng phí cũng như để xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra lãng phí. Thông tin phát hiện lãng phí dưới mọi hình thức phải được người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi có lãng phí xem xét, xử lý, khắc phục kịp thời và thực hiện việc giải trình về việc để xảy ra lãng phí (Điều 9).
7. Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng lĩnh vực
Luật 2013 đã kết cấu lại theo hướng tập trung vào một Chương (Chương II) gồm 8 mục và 56 điều, với đồng bộ các quy định về cơ chế, biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các chế tài cụ thể đối với các hoạt động, các đối tượng liên quan đến yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- Ngoài ra, Luật 2013 đã bổ sung quy định về quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo và nhiệm vụ y tế (Điều 22, Điều 23) là những lĩnh vực dễ xảy ra lãng phí trong thực tế và quy định về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý, sử dụng quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước để tăng cường hiệu quả, tiết kiệm trong việc sử dụng nguồn kinh phí này, hạn chế tối đa bằng việc quy định cụ thể việc thành lập quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước (Điều 24).
- Đối với các hoạt động phải thực hiện yêu cầu quản lý phù hợp với mục tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như tổ chức hội nghị, hội thảo, toạ đàm; cử cán bộ, công chức, viên chức đi công tác; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; sử dụng điện, nước; sử dụng văn phòng phẩm, sách báo, tạp chí; tiếp khách, khánh tiết, lễ hội, lễ kỷ niệm thay vì dành từng điều riêng quy định đối với mỗi hoạt động như Luật 2005, Luật 2013 đã tập trung vào một điều (Điều 25) để quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong quản lý, sử dụng các hoạt động này, đặc biệt đưa ra quy định hàng năm đơn vị phải thực hiện kiểm toán nội bộ đối với các khoản chi tiêu liên quan đến các hoạt động này để tăng tính hiệu quả, hiệu lực của Luật.
8. Về hành vi gây lãng phí
Luật 2013 đã bổ sung quy định về hành vi gây lãng phí một cách tương đối đầy đủ và toàn diện trong các lĩnh vực cụ thể: hành vi vi phạm trong ban hành, thực hiện và kiểm tra định mức, tiêu chuẩn, chế độ (Điều 16); hành vi gây lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, giao dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (Điều 27); hành vi gây lãng phí trong mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện đi lại, phương tiện, thiết bị làm việc và phương tiện thông tin, liên lạc (Điều 32); hành vi gây lãng phí trong đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng (Điều 45); hành vi gây lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên (Điều 53); hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước (Điều 58); hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Điều 62);
Những quy định này giúp cho việc nhận diện hành vi gây lãng phí thuận lợi hơn, đưa công tác chống lãng phí đi vào thực chất, hiệu quả.
9. Về cơ chế triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
- Xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, yêu cầu chống lãng phí
Luật 2013 đã quy định rõ việc xác định mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí chung trên cả nước gắn với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm và dài hạn (Điều 67), đồng thời đặt ra yêu cầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các bộ ngành, Ủy ban nhân dân các cấp cũng phải xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá thực hành tiết kiệm chống lãng phí thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý (Điều 69 và Điều 71).
Ngoài ra, để khắc phục nhược điểm của Luật 2005 trong việc quy định trách nhiệm của bộ, ngành, Luật 2013 chỉ quy định Bộ Tài chính (Điều 68) là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thống nhất triển khai, hướng dẫn các quy định của Luật; tổng hợp trình Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm và dài hạn; triển khai thực hiện, kiểm tra và định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; còn trách nhiệm của tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được quy định tại một điều luật để tránh tình trạng vừa thừa, vừa thiếu.
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán
Để nâng cao vai trò giám sát, thanh tra, kiểm toán, ngoài quy định chung tại Điều 6, Điều 10, Luật 2013 còn có một số điều quy định cụ thể về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên (Điều 72), trách nhiệm của cơ quan thanh tra (Điều 73), trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước (Điều 74), trách nhiệm của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân (Điều 75). Theo đó, Luật 2013 đã khắc phục kịp thời những tồn tại của Luật 2005 và hoàn thiện cơ chế đấu tranh chống các hành vi gây lãng phí thông qua việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, bổ sung quy định đối với các trường hợp sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước để tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, đi công tác... phải thực hiện kiểm toán nội bộ hàng năm để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.
- Có cơ chế khen thưởng hợp lý
Để khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hành tiết kiệm, tham gia phát hiện lãng phí, Luật 2013 bổ sung quy định về việc khen thưởng và nguồn khen thưởng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong thực hành tiết kiệm, tham gia phát hiện lãng phí, chống lãng phí (Khoản 2 Điều 77).
10. Về thời gian báo cáo Quốc hội
Luật 2013 đã sửa đổi theo hướng quy định việc báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của năm trước sẽ được thực hiện tại kỳ họp Quốc hội đầu tiên của năm tiếp theo (Khoản 4 Điều 67).
11. Về khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Theo quy định tại Điều 76 của Luật 2013 thì công dân, cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức có quyền khiếu nại; công dân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và được bảo vệ theo quy định của pháp luật về tố cáo. Cơ quan, tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật về tố cáo.
12. Về xử lý vi phạm và bồi thường thiệt hại
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi gây lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, giao dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, gây lãng phí trong mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện đi lại, phương tiện, trang bị làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng; gây lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, gây lãng phí trong quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của Luật này để xảy ra lãng phí thì bị xử lý như sau:
- Về cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại các điều 27, 32, 45, 53 và 58 của Luật này; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của Luật này để xảy ra lãng phí thì bị xử lý như sau:
+ Có trách nhiệm giải trình theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp, cơ quan cấp trên, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành;
+ Bồi thường một phần hoặc toàn bộ thiệt hại theo quy định của pháp luật;
+ Tùy theo mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức không trực tiếp vi phạm nhưng để xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức, để xảy ra hành vi lãng phí của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ hoặc không xử lý hành vi lãng phí theo thẩm quyền thì bị xử lý như sau:
+ Có trách nhiệm giải trình theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân cấp trên, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành;
+ Tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp phải chịu trách nhiệm liên đới về việc để xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức cấp dưới và trong cơ quan, tổ chức do cấp phó của mình trực tiếp phụ trách và bị xử lý như sau:
+ Có trách nhiệm giải trình theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân cấp trên, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành;
+ Tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức được xem xét giảm trách nhiệm pháp lý quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này nếu đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi lãng phí; xử lý nghiêm minh, báo cáo kịp thời với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về hành vi lãng phí.
Chính phủ quy định chi tiết thi hành điều này.