Đào Bitcoin là gì? Cục Xuất nhập khẩu hướng dẫn nhập khẩu máy đào Bitcoin như thế nào?

09/04/2025 15:49 PM

Dưới đây là nội dung đào Bitcoin là gì và Cục Xuất nhập khẩu hướng dẫn nhập khẩu máy đào Bitcoin tại Công văn trả lời Cục Hải quan.

Đào Bitcoin là gì? Cục Xuất nhập khẩu hướng dẫn nhập khẩu máy đào Bitcoin như thế nào?

Đào Bitcoin là gì? Cục Xuất nhập khẩu hướng dẫn nhập khẩu máy đào Bitcoin như thế nào? (Hình từ Internet)

Đào Bitcoin là gì?

Đào Bitcoin là quá trình tạo mới Bitcoin thông qua việc xác nhận và ghi chép các giao dịch trên mạng lưới blockchain (chuỗi khối). Quá trình đào Bitcoin được thực hiện bởi các máy tính chạy phần mềm đào và những người tham gia quá trình này được gọi là "người đào Bitcoin" hoặc "thợ đào Bitcoin".

Blockchain (chuỗi khối) có thể xem là một nền tảng công nghệ rộng lớn. Hình dung đơn giản thì đây nơi thông tin được phân cấp, lưu trữ trong những "khối" (block) được liên kết (chain) với nhau, mã hóa và có khả năng mở rộng theo thời gian. Các khối này liên kết để chống lại việc tự ý thay đổi dữ liệu. Bất kỳ thông tin nào muốn thay đổi sẽ cần sự đồng ý của toàn bộ chuỗi.

*Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo

Cục Xuất nhập khẩu hướng dẫn nhập khẩu máy đào Bitcoin

Tại Công văn 125/XNK-THCS năm 2025, Cục Xuất nhập khẩu trả lời công văn số 484/TCHQ-GSQL ngày 24 tháng 01 năm 2025 của Tổng cục Hải quan (nay là Cục Hải quan) về việc nhập khẩu máy đào Bitcoin (thiết bị xử lý dữ liệu tự động). Theo đó, Cục Xuất nhập khẩu hướng dẫn nhập khẩu máy đào Bitcoin như sau:

(1) Quy định hiện hành về quản lý nhập khẩu mặt hàng thiết bị xử lý dữ liệu tự động

Tại văn bản số 1153/XNK-TH ngày 31 tháng 8 năm 2017 gửi Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có ý kiến về chính sách quản lý nhập khẩu hiện hành đối với mặt hàng thiết bị xử lý dữ liệu tự động.

Theo đó, mặt hàng máy xử lý dữ liệu tự động (mã HS 8471.50.90) hiện không thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP và không thuộc Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành, Danh mục hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện của Bộ Công Thương.

(2) Về việc xem xét, áp dụng biện pháp quản lý nhập khẩu mặt hàng thiết bị xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo trong thời gian tới

Khoản 4 Điều 5 Luật Quản lý ngoại thương quy định: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải được quy định, công bố chi tiết tương ứng với danh mục phân loại của pháp luật về hải quan.

- Điểm c khoản 2 Điều 9 Luật Quản lý ngoại thương quy định áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu khi hàng hóa thuộc trường hợp: Gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục.

- Điểm b khoản 1 Điều 12 Luật Quản lý ngoại thương quy định áp dụng biện pháp tạm ngừng nhập khẩu khi hàng hóa thuộc trường hợp: “Hàng hóa thuộc trường hợp quy định tại Điều 9 Luật Quản lý ngoại thương nhưng chưa có trong Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu”.

- Khoản 1 Điều 13 Luật Quản lý ngoại thương quy định thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm ngừng nhập khẩu: Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định việc tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu trên cơ sở lấy ý kiến hoặc theo đề xuất của Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan….

Hoạt động khai thác tiền ảo hiện không chỉ thực hiện bằng các máy xử lý dữ liệu ASIC (Application-specific Integrated Circuit) và VGA (Video Graphics Array hay Card màn hình) mà còn bằng các thiết bị di động (chơi game kiếm bitcoin, download source về đào trên smartphone); nền tảng đám mây (hợp đồng với các công ty chuyên đào tiền ảo); đào bằng ổ cứng (Burst coin). Thậm chí, trong tương lai, với sự phát triển bùng nổ của công nghệ sẽ ngày càng gia tăng độ phong phú về các loại máy đào tiền ảo cũng như hoạt động khai thác tiền ảo.

Các loại máy, thiết bị xử lý dữ liệu tự động là những mặt hàng đa dụng, có thể sử dụng vào các hoạt động khác nhau tùy theo mục đích của người dùng.

Vì vậy, để có cơ sở xem xét, đề xuất áp dụng các biện pháp quản lý nhập khẩu phù hợp đối với các loại máy, thiết bị khai thác tiền ảo, cần xác định được đúng và đủ diện mặt hàng cần quản lý, phân loại hàng hóa, mã HS cụ thể, tránh tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có sử dụng các thiết bị xử lý dữ liệu tự động này.

Do đó, căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 5 Luật Quản lý ngoại thương, Cục Xuất nhập đề nghị: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, phân tích, phân loại, áp mã HS cụ thể đối với mặt hàng máy, thiết bị xử lý dữ liệu tự động, các loại sản phẩm tương tự khác liên quan đến khai thác, kinh doanh, đầu tư các loại tiền ảo phù hợp với đặc tính của sản phẩm, để có cơ sở xem xét, đề xuất các biện pháp quản lý nhập khẩu phù hợp.

Lê Quang Nhật Minh

Chia sẻ bài viết lên facebook 55

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079