Ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước còn nhiều yếu kém. Ảnh minh họa, nguồn internet.
Thông tin này được bà Trương Thị Chí Bình, thành viên Tổ biên tập dự thảo Nghị định về công nghiệp hỗ trợ (Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương) đưa ra ngày 25-9 tại hội thảo tham vấn Dự thảo nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Bà Bình cho hay, để xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ, từ năm 2007, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã ban hành Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN nhằm phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Tiếp đến năm 2011, tại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thêm chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo động lực cho lĩnh vực này. Ngoài ra, còn có một số chính sách khác.
Riêng đối với Quyết định 12, theo bà Bình, ưu đãi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ rất "giản dị" trong điều 4: “chủ đầu tư xây dựng dự án theo quy định hiện hành, trong đó đề xuất cụ thể các cơ chế ưu đãi thích hợp, trình Hội đồng thẩm định dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định”. Khoản đặc biệt này được doanh nghiệp tóm tắt trong 2 từ “xin - cho”, bà Bình nói.
Tuy nhiên, cho đến nay, mới chỉ có một doanh nghiệp là Công ty TNHH Đầu nối điện tử Kyocera Việt Nam được hưởng ưu đãi theo Quyết định 12. Mức ưu đãi mà doanh nghiệp này được hưởng là thuế Thu nhập doanh nghiệp 10% áp dụng trong 10 năm (miễn tối đa 4 năm đầu tiên và giảm tối đa 50% trong những năm tiếp theo).
Như vậy, có thể nói rằng, dù các chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ đã có nhưng vẫn chưa “chạm” đến các doanh nghiệp. Do vậy, nhiều doanh nghiệp tham gia hội thảo này kiến nghị, những chính sách cho phát triển công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới cần cụ thể hơn, sát thực tiễn hơn. Đây cũng là kỳ vọng của doanh nghiệp vào Nghị định mới về công nghiệp hỗ trợ.
Phan Thu