Đề xuất sửa đổi bổ sung một số điểm về quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền (Hình từ Internet)
Ngân hàng nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 09/2023/TT-NHNN ngày 28/7/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.
![]() |
dự thảo Thông tư |
Tại khoản 3 Điều 1 dự thảo Thông tư về sửa đổi bổ sung một số điểm tại Điều 5 Thông tư 09/2023/TT-NHNN về Quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền như sau:
- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
“Nội dung quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền của đối tượng báo cáo tại các điểm b, c, e, g, h, i, k khoản 1 Điều 24 Luật Phòng, chống rửa tiền như sau:
1. Quy trình, thủ tục nhận biết khách hàng bao gồm việc thu thập, cập nhật, xác minh thông tin theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, bao gồm: Quy định về các trường hợp nhận biết khách hàng, bao gồm cả trường hợp nhận biết đối với khách hàng có tài khoản hoặc không có tài khoản nhưng không giao dịch trong thời gian 06 tháng liên tục trước đó thực hiện một giao dịch hoặc một chuỗi giao dịch đến từ một hoặc nhiều tổ chức tài chính để nộp, rút hoặc chuyển khoản có tổng giá trị từ 400.000.000 đồng hoặc bằng ngoại tệ có giá trị tương đương trở lên trong một ngày; Quy định về trường hợp nhận biết đối với người đại diện của khách hàng cá nhân, người đại diện theo pháp luật của khách hàng tổ chức; Quy định về nhận biết thông tin khách hàng là thỏa thuận pháp lý, thông tin nhận biết bao gồm: tên giao dịch đầy đủ và viết tắt (đối với quỹ ủy thác) hoặc tên người ủy thác (đối với cá nhân ủy thác); địa chỉ trụ sở chính đối với quỹ ủy thác, địa chỉ quốc tịch đối với cá nhân ủy thác; thông tin đăng ký/cấp phép do cơ quan thẩm quyền nước ngoài cấp (nếu có); lĩnh vực hoạt động; bên nhận ủy thác, người thụ hưởng, các bên liên quan (nếu có), cá nhân có quyền kiểm soát cuối cùng đối với ủy thác; Quy định về xác minh thông tin nhận biết khách hàng bao gồm cả xác minh thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của khách hàng từ các nguồn thông tin đáng tin cậy; Quy định về phân cấp trách nhiệm nhận biết khách hàng theo mức độ rủi ro và theo quy mô, phạm vi và đặc thù hoạt động của đối tượng báo cáo”.
- Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:
“3. Quy định về lưu trữ và bảo mật thông tin theo quy định tại Điều 38, Điều 40 Luật Phòng, chống rửa tiền, trong đó bao gồm trách nhiệm lưu trữ các thông tin, hồ sơ, tài liệu, kết quả phân tích, đánh giá của đối tượng báo cáo và cung cấp kịp thời cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan nhà nước có thẩm quyền các giao dịch dưới mức giao dịch phải báo cáo phục vụ rà soát, đối chiếu giao dịch khi có yêu cầu trong thời hạn 5 năm kể từ ngày kết thúc giao dịch hoặc ngày đóng tài khoản”.
- Sửa đổi, bổ sung khoản 9 như sau:
“9. Nội dung trách nhiệm của cá nhân, bộ phận có liên quan trong việc thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền phải bảo đảm:
a) Phân công một người quản lý của đối tượng báo cáo hoặc được người quản lý cấp cao ủy quyền chịu trách nhiệm về tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền (sau đây gọi là người chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền);
b) Tùy theo quy mô, phạm vi và đặc thù hoạt động, đối tượng báo cáo phải thành lập bộ phận chuyên trách (tổ, phòng, ban) hoặc chỉ định một bộ phận hoặc chỉ định một người phụ trách về phòng, chống rửa tiền tại trụ sở chính; phân công một hoặc một số người hoặc bộ phận phụ trách về phòng, chống rửa tiền tại chi nhánh, công ty con của đối tượng báo cáo có liên quan đến nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền trong trường hợp không có hội sở chính tại Việt Nam (nếu có)”.
- Sửa đổi, bổ sung điểm b, c, d, đ khoản 10 như sau:
“b) Hằng năm, rà soát, cập nhật các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, chính sách, quy trình quản lý rủi ro phù hợp với kết quả đánh giá rủi ro về rửa tiền tại đối tượng báo cáo và tình hình thực tế thực hiện để đánh giá quy định nội bộ và xem xét sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp; trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền gửi quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền cho Cục Phòng, chống rửa tiền đối với các đối tượng báo cáo thuộc lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và Bộ, ngành quản lý nhà nước theo lĩnh vực đối với các đối tượng báo cáo khác;
c) Hằng năm, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, trừ các đối tượng báo cáo không phải thực hiện kiểm toán nội bộ theo quy định của pháp luật, gửi báo cáo kiểm toán nội bộ về phòng, chống rửa tiền tại đối tượng báo cáo cho Cục Phòng, chống rửa tiền đối với các đối tượng báo cáo thuộc lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và Bộ, ngành quản lý nhà nước theo lĩnh vực đối với các đối tượng báo cáo khác;
d) Đăng ký thông tin về họ tên, địa chỉ nơi làm việc, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử để liên lạc khi cần thiết của người chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều này và người chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền hoặc người đầu mối thuộc bộ phận theo quy định tại điểm b khoản 9 Điều này; địa chỉ thư điện tử của bộ phận theo quy định tại điểm b khoản 9 Điều này (nếu có) cho Cục Phòng, chống rửa tiền và Bộ, ngành quản lý nhà nước theo lĩnh vực của đối tượng báo cáo;
đ) Thông báo bằng văn bản cho Cục Phòng, chống rửa tiền và Bộ, ngành quản lý nhà nước theo lĩnh vực của đối tượng báo cáo khi thông tin quy định tại điểm d khoản 10 Điều này có thay đổi trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thay đổi thông tin”.
- Bổ sung khoản 12 như sau:
“12. Đối tượng báo cáo phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin, dữ liệu báo cáo gửi cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Nguyễn Thị Mỹ Quyền