Cấp lại chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ ngày 01/9/2025 (Hình từ Internet)
Ngày 30/06/2025, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 14/2025/TT-BXD quy định về đào tạo lái xe; bồi dưỡng, kiểm tra, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.
Theo Điều 23 Thông tư 14/2025/TT-BXD quy định việc cấp lại chứng chỉ như sau:
- Người có chứng chỉ bị hỏng hoặc có sự sai lệch về thông tin có tên trong hồ sơ lưu trữ tại nơi cấp chứng chỉ, sẽ được cấp lại theo số hiệu chứng chỉ đã cấp. Hồ sơ đề nghị cấp lại, bao gồm:
+ Đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ theo mẫu quy định tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Thông tư này;
+ 03 ảnh màu kích thước 2x3 cm chụp không quá 06 tháng.
- Người có chứng chỉ bị mất có tên trong hồ sơ lưu trữ tại nơi cấp chứng chỉ, sẽ được cấp lại theo số hiệu chứng chỉ đã cấp. Hồ sơ cấp lại thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.
- Trình tự thực hiện:
+ Cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ sở bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ đã cấp chứng chỉ; trường hợp cơ sở bồi dưỡng đã cấp chứng chỉ không còn hoạt động thì nộp tại Sở Xây dựng nơi quản lý cơ sở cấp chứng chỉ;
+ Cơ sở bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ hoặc Sở Xây dựng kiểm tra hồ sơ khi tiếp nhận; trường hợp chứng chỉ không thuộc đối tượng được cấp lại hoặc hồ sơ không đúng theo quy định, phải thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi cho cá nhân trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ;
+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, người đứng đầu cơ sở bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ hoặc Sở Xây dựng cấp lại chứng chỉ; trường hợp không cấp lại chứng chỉ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
+ Việc trả chứng chỉ được thực hiện tại cơ sở bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ hoặc thông qua dịch vụ bưu chính theo yêu cầu của cá nhân.
Theo Điều 24 Thông tư 14/2025/TT-BXD quy định việc in, quản lý chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ như sau:
- Cơ sở bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ in, quản lý chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để thực hiện cấp mới, cấp lại chứng chỉ như sau:
+ Căn cứ mẫu chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ quy định tại Phụ lục XV ban hành kèm theo Thông tư này, cơ sở bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ thiết kế mẫu phôi chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, kèm theo lô gô (nếu có) của cơ sở mình;
+ Người đứng đầu cơ sở bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ phê duyệt mẫu phôi chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ của cơ sở mình và gửi về Sở Xây dựng, cơ quan công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đóng trụ sở chính để báo cáo; chịu trách nhiệm quản lý phôi chứng chỉ của cơ sở mình;
+ Việc in phôi chứng chỉ phải bảo đảm chặt chẽ, an toàn, bảo mật và phải được lập sổ quản lý.
- Sở Xây dựng in, quản lý chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để thực hiện cấp lại chứng chỉ như sau:
+ Căn cứ mẫu chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ quy định tại Phụ lục XV ban hành kèm theo Thông tư này, Sở Xây dựng thiết kế mẫu phôi chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ;
+ Sở Xây dựng phê duyệt mẫu phôi chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ và gửi về cơ quan công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đóng trụ sở chính để báo cáo; chịu trách nhiệm quản lý phôi chứng chỉ của Sở mình;
+ Việc in phôi chứng chỉ phải đảm bảo chặt chẽ, an toàn, bảo mật và phải được lập sổ quản lý.
Nguyễn Thị Mỹ Quyền