Quy định về quản lý số tiền thu được từ việc xử lý tài sản công tại cơ quan nhà nước từ ngày 01/7/2025 (Hình từ Internet)
Ngày 01/7/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 186/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo Điều 40 Nghị định 186/2025/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc xử lý tài sản công tại cơ quan nhà nước như sau:
(1) Nội dung chi phí liên quan đến xử lý tài sản công bao gồm:
- Chi phí kiểm kê tài sản.
- Chi phí đo, vẽ nhà, đất.
- Chi phí xác định giá và thẩm định giá tài sản.
- Chi phí di dời, phá dỡ, hủy bỏ, tiêu hủy tài sản.
- Các khoản thù lao và chi phí liên quan đến việc đấu giá tài sản.
- Chi phí niêm yết, thông báo công khai, cho xem tài sản, lựa chọn người được quyền mua tài sản trong trường hợp bán tài sản theo hình thức niêm yết giá.
- Chi phí hợp lý khác có liên quan đến xử lý tài sản công.
(2) Mức chi:
- Đối với các nội dung chỉ đã có tiêu chuẩn, định mức, chế độ do cơ quan, người có thẩm quyền quy định thì thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức và chế độ do cơ quan, người có thẩm quyền quy định.
- Đối với các nội dung thuê dịch vụ liên quan đến xử lý tài sản được thực hiện theo Hợp đồng ký kết theo quy định giữa cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức xử lý tài sản và đơn vị cung cấp dịch vụ. Việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến xử lý tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Đối với các nội dung chi ngoài phạm vi quy định tại 2 điểm nêu trên, người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ xử lý tài sản quyết định mức chi, bảo đảm phù hợp với chế độ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
(3) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ tiền thu được từ xử lý tài sản, cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức xử lý tài sản có trách nhiệm chi trả các khoản chi phí có liên quan đến việc xử lý tài sản và nộp phần còn lại (nếu có) vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước nơi cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức xử lý tài sản mở tài khoản. Riêng cơ quan nhà nước được áp dụng cơ chế tài chính riêng (thực hiện giao vốn, trích khấu hao tài sản) hoặc áp dụng, vận dụng theo cơ chế tài chính của doanh nghiệp thì việc nộp phần còn lại (nếu có) sau khi trừ đi các chi phí có liên quan đến việc xử lý tài sản vào ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định tại cơ chế tài chính hiện hành do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành.
(4) Trường hợp không phát sinh nguồn thu từ việc xử lý tài sản hoặc số tiền thu được từ xử lý tài sản không đủ bù đắp chi phí thì phần còn thiếu được chỉ từ dự toán ngân sách nhà nước giao (kể cả giao bổ sung) cho cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức xử lý tài sản hoặc từ nguồn kinh phí được phép sử dụng của cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức xử lý tài sản.
(5) Trường hợp phá dỡ trụ sở làm việc cũ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới mà chi phí phá dỡ trụ sở làm việc cũ đã được bố trí trong tổng mức đầu tư của dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới do cơ quan, người có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt thì việc lập, phê duyệt dự toán và thanh toán chi phí xử lý tài sản được thực hiện theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật có liên quan.
(6) Trường hợp phải chi trả các khoản chi phí thuê ngoài khi xử lý tài sản theo quy định trước khi hoàn thành việc xử lý và thu được tiền từ xử lý tài sản thì cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức xử lý tài sản được ứng trước từ nguồn kinh phí được phép sử dụng của cơ quan để chi trả.
Nguyễn Thị Mỹ Quyền