Xếp loại chất lượng công chức theo 04 mức độ từ 01/01/2026

10/07/2025 18:04 PM

Theo Luật Cán bộ, công chức 2025 quy định xếp loại chất lượng công chức theo 04 mức độ từ 01/01/2026, dưới đây là nội dung chi tiết.

Xếp loại chất lượng công chức theo 04 mức độ từ 01/01/2026

Quốc hội thông qua Luật Cán bộ, công chức 2025 ngày 25/6/2025. Theo đó tại Điều 26 Luật Cán bộ, công chức 2025 đã quy định về xếp loại chất lượng công chức kể từ 01/01/2026 như sau:

- Căn cứ vào kết quả theo dõi, đánh giá, công chức được xếp loại chất lượng hằng năm theo các mức:

+ Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;

+ Hoàn thành tốt nhiệm vụ;

+ Hoàn thành nhiệm vụ;

+ Không hoàn thành nhiệm vụ.

- Kết quả xếp loại chất lượng phải được thông báo đến cá nhân công chức, công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và được lưu vào hồ sơ công chức.

Quy định xếp loại chất lượng công chức theo 04 mức độ tại Luật Cán bộ, công chức 2025 là quy định mới. Bởi trước đó tại Luật Cán bộ, công chức 2008 (đã hết hiệu lực từ 01/7/2025) không phân rõ 4 mức xếp loại công chức như trên.

Luật Cán bộ, công chức 2025 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025, trừ quy định tại Mục 3 về đánh giá công chức bao gồm cả việc xếp loại công chức hằng năm sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.

Xếp loại chất lượng công chức theo 04 mức độ từ 01/01/2026

Xếp loại chất lượng công chức theo 04 mức độ từ 01/01/2026 (Hình từ internet)

Quy định về thực hiện đánh giá công chức từ 01/01/2026

(1) Nguyên tắc thực hiện đánh giá:

- Việc đánh giá phải bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng, minh bạch, khách quan, xuyên suốt, liên tục, đa chiều;

- Nội dung đánh giá phải được định lượng tối đa về tiến độ, chất lượng hiệu quả gắn với vị trí việc làm;

- Ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong theo dõi, đánh giá, xếp loại chất lượng công chức.

(2) Thẩm quyền đánh giá:

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức có trách nhiệm đánh giá công chức thuộc quyền;

- Việc đánh giá người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên quản lý trực tiếp thực hiện.

(3) Phương thức đánh giá:

- Theo dõi, đánh giá thường xuyên, liên tục, đa chiều, định lượng bằng các tiêu chí cụ thể gắn với tiến độ, chất lượng của kết quả, sản phẩm theo từng vị trí việc làm;

- Đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm.

(4) Nội dung đánh giá:

- Phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, văn hóa công vụ; ý thức kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; việc chấp hành quy định của pháp luật về công chức, công vụ và quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

- Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm; khả năng đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ được giao thường xuyên, đột xuất; tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ; thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp đối với các vị trí việc làm tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp; khả năng phối hợp với đồng nghiệp;

- Năng lực đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong thực thi công vụ;

- Kết quả thực hiện nhiệm vụ thông qua số lượng, chất lượng và tiến độ của sản phẩm theo vị trí việc làm;

- Nội dung khác theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Ngoài các nội dung nêu trên, công chức lãnh đạo, quản lý còn được đánh giá theo kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc lĩnh vực được giao lãnh đạo, quản lý, phụ trách; khả năng tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ; năng lực tập hợp, đoàn kết cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý.

(5) Chính phủ quy định chi tiết các nội dung trên.

(Điều 25 Luật Cán bộ, công chức 2025)

Chia sẻ bài viết lên facebook 27

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079