Thí điểm bỏ Hội đồng nhân dân tốn nhiều công sức mà không hiệu quả

10/04/2015 08:47 AM

Sáng 9.4, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến nhất trí với phương án tổ chức chính quyền địa phương gồm hội đồng nhân dân (HĐND) và ủy ban nhân dân (UBND).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý phát biểu. Ảnh; Xuân Hải.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương do Chủ nhiệm Ủy ban Phan Trung Lý trình bày nêu rõ: Phương án 1 quy định tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND) nhưng làm rõ trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo.

Nhất trí với phương án 1, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng mô hình thí điểm tổ chức chính quyền địa phương không có HĐND, việc thí điểm quá ít, chỉ 10/63 tỉnh, số ủng hộ trong số này là 6/10 tỉnh nhưng khi đưa ra lấy ý kiến đại trà thì số phản đối nhiều hơn, như vậy việc thực hiện mô hình thí điểm bỏ HĐND tốn nhiều công sức mà không hiệu quả.

“Tôi ủng hộ việc tổ chức chính quyền địa phương theo phương án 1, tổ chức chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND sẽ không gây xáo trộn nào cả” – ông Giàu nói.

Đồng tình với quan điểm trên, Trưởng ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương nói: “Tôi làm Trưởng đoàn giám sát việc không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường thấy nổi lên 2 vấn đề. Nguyện vọng của nhân dân của các tỉnh thí điểm và không thí điểm đều mong muốn quay lại mô hình cũ, gồm có HĐND và UBND. Tôi rất mừng vì họ có nguyện vọng như vậy, nếu không ra trung ương còn phải bàn cãi mệt lắm”.

Theo bà Nương, về cơ cấu tổ chức HĐND, đa số địa phương mong muốn tăng chất lượng của đại biểu và đề nghị tăng cơ cấu số lượng đại biểu thuộc các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội như mặt trận, hội cựu chiến binh, chuyên gia. Và đề nghị giảm đại biểu ở cơ quan hành chính nhà nước. Như vậy sẽ giảm các hoạt động hình thức, cuộc họp hoành tráng nhưng khi giám sát không ai dám nói.

Bà Nương cho rằng, đối với thường trực HĐND cần tăng số đại biểu chuyên trách và tăng thẩm quyền của thường trực, tính xem hoạt động chuyên trách bao nhiêu phần trăm thì vừa. Hiện nay quy định Chủ tịch HĐND kiêm nhiệm bí thư, các trưởng ban HĐND là kiêm nhiệm. Một số tỉnh thực hiện trưởng ban HĐND kiêm nhiệm, làm tốt hơn trưởng ban HĐND chuyên trách.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, cần phải làm rõ Chính phủ làm gì, Quốc hội làm gì, rồi trách nhiệm của tập thể, cá nhân, người đứng đầu chưa được làm rõ.

“Chủ tịch HĐND không phải chuyên trách, nhưng phó chủ tịch HĐND phải là chuyên trách. Trưởng các ban có thể chuyên trách hoặc không. Mỗi ban phải có tỷ lệ nhất định số uỷ viên là chuyên trách. Đại biểu có nhiều ý kiến nhưng hiện nay nhiều ý kiến đang nghiêng về phương án 1, nhưng phương án này cồng kềnh, thừa biên chế. Do vậy, vẫn đưa 2 phương án để trình Quốc hội quyết định" - Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cũng đồng tình theo phương án 1, xây dựng chính quyền có cả HĐND và UBND.

"Đề nghị tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách, không kiêm nhiệm làm ở cơ quan chính quyền, vì nếu kiêm nhiệm thì việc đi họp hay chức năng giám sát rất khó khăn. Nếu tăng thì tăng số đại biểu HĐND từ các cơ quan Đảng, đoàn thể, mặt trận, giảm khối tư pháp, hành chính sự nghiệp. Về số lượng đại biểu HĐND phải xác định tỷ lệ dân để xác định số lượng đại biểu" - ông Phước nói.

Chiều cùng ngày, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã nhất trí 100% đối với tờ trình của Chính phủ về Đề án của Chính phủ về việc thành lập phường Yên Bình thuộc thị xã Tam Điệp và thành lập thành phố Tam Điệp thuộc tỉnh Ninh Bình; Đề án của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh để thành lập mới thị xã Kỳ Anh và 6 phường thuộc thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

XUÂN HẢI

Theo Báo Lao Động

Chia sẻ bài viết lên facebook 5,928

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079