Cuối 2015, chỉ còn 5% hộ nghèo?

16/04/2015 08:20 AM

“Tôi không tin vào các số liệu báo cáo. Chị Chuyền đừng nghe báo cáo, chị đi với tôi đi”. Đại biểu Phạm Đức Châu - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị - đã nói như vậy với Bộ trưởng Bộ LĐTBXH trong ngày làm việc thứ 3 (15.4) phiên họp thứ 10 của Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội với phần báo cáo, giải trình của Bộ LĐTBXH tại TPHCM.

Minh họa của ĐAN

Nghi ngờ là quyền của đại biểu!

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, tỉ lệ hộ nghèo từ 14,2% cuối năm 2010 giảm còn 5,8 - 6% vào cuối năm 2014, bình quân giảm 2%/năm. Ước đến cuối năm 2015, tỉ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 5%, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đề ra. Về con số này, ông Phạm Đức Châu - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị - cho rằng, các con số này đánh giá chưa thực sự đúng tình hình. Theo ông, thực tế có nhiều địa phương, nhiều hộ không muốn thoát nghèo, vì thoát nghèo “mất chính sách”. Cho nên mới có chuyện có một bí thư xã bị dân kêu quá trời vì đưa xã thoát nghèo sớm. “Vấn đề là vì sao họ sợ, vì khi thoát nghèo rồi họ vẫn mấp mé rơi trở lại nghèo, họ ở tình trạng là nguy cơ tái nghèo. Nhưng đối tượng này thì chưa được hỗ trợ. Do đó, bức xúc hiện nay không phải làm giảm nghèo, xóa nghèo, mà chống tái nghèo và tập trung giảm nghèo cho một số địa bàn cụ thể. Đề nghị bộ tập trung vào khái niệm mới là xã cận nghèo? Phải có chính sách chống tái nghèo từ xã, huyện, chứ không đơn thuần là hộ cận nghèo. Có như vậy mới định ra được cái giải pháp, dự án cụ thể”. “Tôi không tin vào các số liệu báo cáo. Tôi không tin đâu” - ông Phạm Đức Châu nói. “Các con số về đào tạo nghề. Chị Chuyền đừng nghe báo cáo, chị đi với tôi đi, kể cả tái định cư cho các hộ dân tới nơi ở mới, đi mới thấy nóng.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền trả lời các chất vấn.

Trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bà Nguyễn Thúy Hoàn - đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình - bày tỏ băn khoăn với con số “82% số xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em” mà Bộ LĐTBXH báo cáo. Bà Hoàn hỏi “số liệu này có tin cậy được không?”, vì theo bà, trong quyết định, quy định của Chính phủ về tiêu chí xã, phường đạt tiêu chí phù hợp với trẻ em có nhiều tiêu chí cứng, khó đạt, ví dụ như những tiêu chí về trường, trạm chuẩn. So sánh tương quan với 19 tiêu chí về xã đạt chuẩn nông thôn mới, khó nhất là các tiêu chí về giao thông, trường, trạm đạt chuẩn, thực tế các địa phương rất trầy trật để thực hiện tiêu chí này, đến nay mới có 1/3 xã đạt chuẩn nông thôn mới vậy mà xã phường phù hợp với trẻ em lại đạt hơn 80%.

Bà Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, việc nghi ngờ là quyền của đại biểu nhưng Bộ LĐTBXH khẳng định số liệu của mình là số liệu đảm bảo tính pháp lý. “Thứ nhất, về nguyên tắc các địa phương báo cáo lên; thứ hai, là kiểm tra điểm và thấy rằng kiểm tra với báo cáo là phù hợp thì chúng tôi tổng hợp. Tuy nhiên, khi kiểm tra thì chúng tôi không thể kiểm tra cả 63 tỉnh, thành. Số liệu có rất nhiều loại, số liệu của ngành như thống kê điều tra, có số liệu do Bộ LĐTBXH tổng hợp. Ví dụ số liệu giảm nghèo có quy trình của nó. Với trách nhiệm của cơ quan chuyên môn thì tin vào số liệu đấy chứ biết đâu nữa” - bà Chuyền nói.

Chính sách chồng chéo nhau

Là ý kiến của nhiều đại biểu về chương mục tiêu quốc gia giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng, hai chương trình trùng lặp nhau. Đơn cử như về chính sách thì phát triển hạ tầng, truyền thông nâng cao năng lực và đối tượng đều là người dân nông thôn. Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Chính phủ đã giao cho Bộ LĐTBXH, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bàn bạc để có hướng giải quyết. Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng, các chương trình có con đường đi tương đối rõ. Tuy nhiên, điều cần thiết là phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, cần sự tham gia, trách nhiệm của người dân, xã hội. “Làm gì thì làm, phải loại bỏ được sự trùng lặp giữa hai chương trình này, phải lồng ghép cho nhau. Tháng 9 tới đây, Bộ LĐTBXH phải cho đầu ra của chương trình này cụ thể là gì? Kết thúc một chu kỳ thì hiệu quả là gì?” - bà Mai nhấn mạnh.

Lê Tuyết

Theo Báo Lao Động

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,271

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079