- Việc kết cấu các yếu tố chi phí vào giá theo lộ trình phải thực hiện theo quy định về phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ. Liên Bộ Y tế, Tài chính đang tính toán các phương án nên chưa có số liệu mức tăng cụ thể bao nhiêu phần trăm giá dịch vụ. Riêng về mức đóng BHYT thì đến nay không có gì thay đổi.
Điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ thì người bệnh sẽ được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng tốt hơn do bệnh viện được thu đủ chi phí nên sẽ có kinh phí để nâng cao chất lượng chăm sóc và phục vụ người bệnh. Việc tính đủ chi phí vào giá còn tạo điều kiện để các bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến dưới có kinh phí để triển khai các dịch vụ, nhất là các dịch mới, kỹ thuật cao hơn, có như vậy mới phát triển được kỹ thuật y tế, đưa dịch vụ y tế có chất lượng cao hơn về gần dân. Đồng thời giảm bớt sự đóng góp thêm của người bệnh đối với các dịch vụ mà trước đây do mức giá thấp, một số chi phí chưa được kết cấu vào giá nên cơ quan BHXH không thanh toán đủ cho người bệnh. Nếu giá tính đủ thì cơ quan BHXH sẽ thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.
- Người bệnh có thể yên tâm khi bệnh viện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, đặc biệt là người có thẻ BHYT sẽ được lợi trước nhất. Xin Ông nêu cụ thể hơn về vấn đề này?
- Đơn cử như giá dịch vụ “đỡ đẻ thường ngôi chỏm”, liên Bộ Y tế, Tài chính đã tính toán chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ là 525.000 đồng. Nếu quy định giá dịch vụ là 370.000 đồng thì cơ quan BHXH sẽ thanh toán cho bệnh viện dịch vụ này là 370.000 đồng. Bệnh viện vẫn triển khai dịch vụ trên nhưng rõ ràng lúc này do mức giá phê duyệt thấp không đủ các chi phí bệnh viện phải bỏ ra để thực hiện dịch vụ. Do hiện nay, hầu hết các bệnh viện ngân sách chỉ cấp tiền lương, nhiều bệnh viện ngân sách cấp không đủ chi lương nên phần chênh lệch là 155.000 đồng buộc bệnh viện phải thu thêm của người bệnh để có đủ kinh phí thực hiện triển khai dịch vụ. Nếu quy định giá là 525.000 đồng thì BHXH sẽ thanh toán cho bệnh viện 525.000 đồng, người bệnh có thẻ BHYT không phải trả thêm 155.000 đồng này.
- Nhưng trên thực tế cơ quan BHXH không thanh toán hết chi phí khám, chữa bệnh mà người tham gia BHYT phải đồng chi trả. Vậy khi giá dịch vụ tăng thì đồng nghĩa người tham gia BHYT sẽ chi nhiều hơn, thưa Ông?
- Đúng là khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế thì phần đồng chi trả của người bệnh sẽ tăng lên nếu vẫn quy định mức đồng chi trả như trước đây. Tuy nhiên, Luật sửa đổi bổ sung của Luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1.1.2015 đã điều chỉnh mức đồng chi trả nên ảnh hưởng đến các nhóm đối tượng có khác nhau như đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi không bị ảnh hưởng vì được BHYT thanh toán 100% chi phí. Đối với người cận nghèo, mức tác động không nhiều vì đối tượng này được BHYT thanh toán 95% chi phí, chỉ phải đồng chi trả 5% (trước đây phải đồng chi trả 20%). Ví dụ một bệnh nhân điều trị tại bệnh viện hết tổng chi phí là 10 triệu đồng. Trước 31.12.2014, Bệnh nhân sẽ phải đồng chi trả mức 20% là 2 triệu đồng. Nhưng từ 1.1.2015 cũng với chi phí trên, bệnh nhân đồng chi trả mức 5% sẽ là 500 nghìn đồng.
Các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh BHYT thì có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều vì nếu chưa tính đủ giá, người bệnh phải trả thêm một số khoản chi phí, nay được tính đủ thì sẽ không phải trả thêm các chi phí này. Mặt khác, từ 1.1.2015, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên khám chữa bệnh đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở.
- Thưa Ông, cả nước còn khoảng 30% dân số chưa tham gia BHYT, chủ yếu là người có mức sống trung bình; việc tăng phí dịch vụ y tế sẽ tác động không nhỏ tới đối tượng này?
Đúng là khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, các đối tượng không có thẻ BHYT sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, với chính sách này quan điểm của Nhà nước là để khuyến khích người dân tham gia BHYT để tiến tới BHYT toàn dân.
Thực tế hiện nay do mức giá dịch vụ còn thấp nên nhiều người không tham gia BHYT mà bỏ tiền túi ra chi trả khi có bệnh. Nay điều chỉnh giá, người dân sẽ thấy được lợi ích, tính nhân văn của BHYT là chỉ phải đóng một mức nhỏ để mua BHYT khi đau ốm sẽ được BHYT thanh toán, giảm được rất nhiều chi phí.
Ngoài ra, để hạn chế tác động đối với người bệnh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hỗ trợ tối thiểu 30% mệnh giá để người làm nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT, giảm mức đóng BHYT khi tham gia BHYT theo hộ gia đình. Các tỉnh cũng đã và đang thành lập quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh người nghèo để hỗ trợ các trường hợp bệnh nặng, chi phí điều trị lớn.
- Khi tăng giá dịch vụ y tế, cơ quan BHXH sẽ phải chi trả nhiều hơn. Vậy liệu có nguy cơ dẫn tới vỡ quỹ BHYT và lúc đó phải tăng mức đóng BHYT thưa Ông?
- Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế. Chi phí dịch vụ vẫn bao gồm bảy yếu tố cấu thành, hiện mới tính ba yếu tố, phần còn lại do Nhà nước chi trả. Lộ trình điều chỉnh giá song song với lộ trình chuyển phần ngân sách nhà nước cấp cho các bệnh viên sang hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người dân. Theo liên Bộ Y tế, Tài chính tính toán, nếu kết cấu tiền lương vào giá dịch vụ thì quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối. Thêm nữa, khi Nhà nước có nguồn lực để hỗ trợ người dân tham gia BHYT thì tỷ lệ người dân có thẻ BHYT sẽ tăng, theo đó nguồn quỹ BHYT cũng sẽ tăng. Hiện nay mức đóng BHYT là 4,5% mức lương cơ sở, còn mức trần theo quy định là 6%. Việc có phải tăng mức đóng BHYT hay không liên Bộ sẽ tính toán và đề xuất cụ thể trên cơ sở cân đối quỹ BHYT.
- Xin cám ơn Ông!
Quang Vũ thực hiện
Theo Báo điện tử Đại Biểu Nhân Dân