Chính sách mới >> Tài chính 17/04/2015 08:22 AM

Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2014: Năm bước tiến, bốn bước lùi

17/04/2015 08:22 AM

Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2014 (PCI 2014), dựa trên kết quả điều tra 9.859 doanh nghiệp dân doanh và 1.491 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), cho thấy niềm tin vào triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp đã tăng trở lại sau hai năm sụt giảm mạnh. Báo cáo cũng ghi nhận các tỉnh đã có những cải thiện rõ rệt ở năm trong 10 tiêu chí đánh giá PCI, nhưng đồng thời cũng chỉ ra sự thụt lùi ở bốn tiêu chí khác, trong đó có hai tiêu chí rất quan trọng là chi phí không chính thức (tham nhũng) và tính năng động của lãnh đạo tỉnh trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp.

Năm 2014, lần đầu tiên trong 10 năm thực hiện đánh giá PCI, TPHCM đã lọt vào tốp 5 địa phương dẫn đầu với vị trí thứ tư. Hình chụp sa bàn phối cảnh quy hoạch TPHCM. Ảnh: Uyên Viễn.

Môi trường kinh doanh khởi sắc

Điểm sáng trong kết quả điều tra Chỉ số PCI 2014 là dấu hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh. Cả doanh nghiệp trong nước và FDI đều tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh trong những năm sắp tới.

Tỷ lệ doanh nghiệp trong nước tăng quy mô đầu tư vốn đã gia tăng trở lại và đạt 10,8% sau hai năm giảm xuống mức thấp nhất (6,4% trong năm 2012 và 2013). Quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp là 15,1 tỉ đồng, gấp đôi so với năm 2006 và là mức cao nhất trong vòng chín năm qua. Tỷ lệ doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động cũng tăng gần gấp đôi (11,5%) so với hai năm trước đó.

Có tới 46,1% doanh nghiệp dự kiến sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong vòng hai năm tới, tăng mạnh so với mức 32,5% của năm trước. Tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch giảm quy mô hoặc đóng cửa, giải thể chỉ chiếm 8,3%.

Sự lạc quan này cũng nhìn thấy rõ trong nhóm doanh nghiệp FDI, với 16,3% cho biết tăng đầu tư hoạt động và 65,1% đã tuyển thêm lao động mới.

Dù đã có những tín hiệu khả quan, nhưng bức tranh về kết quả kinh doanh thực tế của doanh nghiệp vẫn chưa thể lạc quan. Con số 10,8% doanh nghiệp trong nước tăng vốn đầu tư trong năm 2014, tuy có khá hơn hai năm trước đó, nhưng vẫn còn kém xa mức đỉnh 29,3% của năm 2009. Đáng ngại hơn là tỷ lệ doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI hoạt động có lãi vẫn sụt giảm (60,3% doanh nghiệp trong nước báo lãi), trong khi tỷ lệ báo lỗ tăng lên mức 26,4%. Đây là năm có tỷ lệ doanh nghiệp bị lỗ cao nhất kể từ năm 2006. Tương tự, số lao động trung bình trong mỗi doanh nghiệp trong nước cũng ở mức thấp, bình quân 26,83 người/doanh nghiệp, ít hơn nhiều so với con số 47,63 người vào năm 2010.

Bốn bước lùi

Khoảng cách về điểm số giữa tỉnh đứng đầu bảng là Đà Nẵng và tỉnh cuối bảng là Điện Biên chỉ còn 16,55 điểm.

Khảo sát PCI năm nay ghi nhận những cải thiện rõ rệt nhất ở lĩnh vực gia nhập thị trường (tăng 0,95 điểm), tiếp đến là tính minh bạch (0,42 điểm), dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (0,43 điểm), đào tạo lao động (0,4 điểm) và chi phí thời gian (0,33 điểm).

Nhưng so với năm ngoái, 4/10 chỉ số thành phần của tỉnh trung vị bị giảm điểm. Trong đó, ba chỉ số có mức giảm sâu là chi phí không chính thức (giảm 1,4 điểm), tính năng động của chính quyền tỉnh (giảm 1,02 điểm) và tiếp cận đất đai (giảm 1,01 điểm). Cuối cùng là chỉ số cạnh tranh bình đẳng giảm gần 0,5 điểm. Lĩnh vực hầu như không có sự thay đổi so với năm 2013 là thiết chế pháp lý.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, khi đánh giá về các tiêu chí có sự đi xuống, doanh nghiệp tại tỉnh trung vị thể hiện tâm lý bi quan nhất kể từ khi tiến hành điều tra PCI.

Năm 2008, 66% doanh nghiệp tham gia điều tra PCI ở tỉnh trung vị cho biết thường phải trả thêm các chi phí không chính thức để tạo thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Sau nhiều năm có xu hướng giảm, năm 2014, tỷ lệ này đã quay trở lại ngưỡng trên. Trong đó, có tới 10% số doanh nghiệp phải dành hơn 10% doanh thu cho các khoản chi phí không chính thức.

Ngoài ra, ngày càng nhiều doanh nghiệp cho rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến (tăng từ 41% năm 2013 lên tới 66% năm 2014). Tỷ lệ này ở điều tra nhóm doanh nghiệp FDI cũng ở mức tương tự (60%). Chi phí “hoa hồng” trong hoạt động đấu thầu khi tham gia hợp đồng với các cơ quan nhà nước của doanh nghiệp dân doanh đã bắt đầu có tín hiệu chững lại (55% năm 2014 so với 56% năm 2013), song vẫn ở mức cao.

Với vấn đề hiệu quả làm việc và điều hành của chính quyền các tỉnh, hàng năm nhóm điều tra và phân tích PCI đều quan sát cảm nhận của doanh nghiệp về tính năng động của chính quyền các cấp qua mức độ đồng ý với các nhận định: “Khi quy định của trung ương chưa rõ ràng, UBND tỉnh tôi rất năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh”; hay “có những sáng kiến tốt ở cấp tỉnh, nhưng việc thực thi của các sở ngành lại có vấn đề”. Kết quả điều tra cho thấy, đánh giá sự năng động, sáng tạo ở các cấp chính quyền cũng chỉ tương đương mức năm 2013 (53%).

Đã có rất nhiều sáng kiến cải cách được đưa ra, song hiệu quả thực thi ở các cấp dưới, cụ thể là các sở, ngành lại không thể hiện được tinh thần của những sáng kiến này. Năm nay, tỷ lệ đồng tình với nhận định này đã tăng lên 77%, cao nhất và cũng gấp đôi so với năm 2006.

Cuối cùng, năm nay doanh nghiệp bày tỏ nhiều lo ngại hơn đối với khả năng tiếp cận đất đai. Chỉ có 55% số doanh nghiệp tham gia điều tra có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Với việc thiếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các doanh nghiệp tỏ rõ sự e ngại về rủi ro bị thu hồi đất. Trong trường hợp xấu nhất là bị thu hồi, cũng chỉ một phần ba số doanh nghiệp tin tưởng sẽ được đền bù thỏa đáng. Các vấn đề về đất đai đang ngày càng trở nên phổ biến và ảnh hưởng mạnh mẽ tới hoạt động của các doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết không gặp trở ngại gì trong tiếp cận đất đai năm nay đang ở mức thấp kỷ lục, chỉ chưa đầy 22%.

Khác biệt giữa các tỉnh ngày càng hẹp

Cũng như các năm trước, báo cáo PCI 2014 ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ ở các tỉnh nằm ở tốp sau của bảng xếp hạng, trong khi nhóm các tỉnh nằm ở tốp đầu tiếp tục chững lại. Điều này dẫn đến khoảng cách về điểm số giữa tỉnh đứng đầu bảng là Đà Nẵng và tỉnh cuối bảng là Điện Biên chỉ còn 16,55 điểm. Mức chênh lệch điểm số giữa các tỉnh trong cùng một nhóm rất tốt, tốt, khá, trung bình… chỉ còn 1-2 điểm. Trong bối cảnh đó, tỉnh nào đạt được mức tăng dù chỉ vài điểm cũng có thể đem lại sự cải thiện rất lớn về thứ hạng.

Trong bảng xếp hạng PCI 2014, ba vị trí đầu vẫn thuộc về Đà Nẵng, Đồng Tháp và Lào Cai. Tỉnh có bước bứt phá mạnh mẽ nhất là Tuyên Quang. Từng đứng ở nhóm cuối của bảng xếp hạng PCI trong hai năm trước đây, Tuyên Quang đã trở thành một hiện tượng cho sự thay đổi từ nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành thấp. Năm 2014, Tuyên Quang đã có số điểm PCI tổng hợp tăng so với năm 2013 lớn nhất trong 63 tỉnh, thành phố, với 6,22 điểm. Nhờ vậy, thứ hạng của tỉnh này trong năm 2014 đã tăng 13 bậc.

Một trường hợp khác nữa là TPHCM. Năm 2014, lần đầu tiên trong 10 năm thực hiện đánh giá PCI, TPHCM đã lọt vào nhóm 5 (Tốp 5) địa phương dẫn đầu với vị trí thứ tư. Đây là kết quả của việc nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, nhất là trong việc xử lý thủ tục hành chính thông thoáng. Bên cạnh đó, việc tăng cường đối thoại chính quyền - doanh nghiệp nhằm giải quyết khó khăn cho cộng đồng kinh doanh tại thành phố đã tạo niềm tin cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư.

Trong nhóm 10 tỉnh thành có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2014 còn có các tỉnh Vĩnh Phúc, Long An, Thái Nguyên, Kiên Giang và Bắc Ninh. Vĩnh Phúc từng luôn nằm trong Tốp 10 trong các năm 2006-2009, sau những sụt giảm trong các năm 2010-2012, đã có sự thăng hạng ấn tượng trong hai năm gần đây. Trong các năm 2008 và 2011, Long An từng có mặt trong nhóm 10 tỉnh thành có chất lượng điều hành tốt nhất.

Lần đầu tiên đã xuất hiện trong Tốp 10 bảng xếp hạng PCI của cả nước năm 2014, Thái Nguyên là một trường hợp đặc biệt với những chuyển mình thực sự không chỉ trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài mà còn cả trong việc kiên trì thực hiện nguyên tắc phát triển “Ba thân thiện” của địa phương: Thân thiện môi trường - Thân thiện doanh nghiệp - Thân thiện người dân.

Bắc Ninh đã trở lại nhóm 10 tỉnh có chất lượng điều hành tốt nhất vào năm nay, với những dấu ấn rõ ràng của việc thực hiện quy định chế độ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong việc hỗ trợ và giải quyết kiến nghị của tổ chức kinh tế trên địa bàn mà tỉnh đã ban hành đầu năm 2013.

Tấn Đức

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,577

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079