Dưa hấu bị ùn tắc ở cửa khẩu, Bộ Công Thương đứng ra mua hơn chục tấn dưa về phân phối lại cho nhân viên. Ảnh Facebook |
Những động thái đó là tích cực, nhưng trong câu chuyện tiêu thụ dưa hấu cũng như những loại nông sản khác, đó chưa phải là lời giải đúng cho một bài toán đã được nêu ra nhiều năm qua. Để giải bài toán tiêu thụ nông sản đòi hỏi một cách tiếp cận thị trường.
Chưa có năm nào mà việc tiêu thụ nông sản trong nước không gặp phải vấn đề “dội chợ, rớt giá”, từ chuyện bắp cải, khoai tây và ngay lúc này là hành tím của Đà Lạt, vải thiều Bắc Giang, chôm chôm khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) và miền Đông Nam bộ, cho đến thanh long Bình Thuận, Tiền Giang...
Sản xuất phi thị trường
Việc sản xuất nông sản ở nước ta, nhất là đối với các loại trái cây, có thể nói là hoàn toàn tự phát, không theo một quy hoạch nào, và hầu như chẳng có quy hoạch đối với các loại nông sản ngắn ngày như dưa hấu.
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, cho biết trên báo Công Thương là riêng bốn tỉnh miền Trung đầu năm nay đã gieo trồng 4.000 héc-ta dưa hấu với tổng sản lượng trên 100.000 tấn, và cùng với một số tỉnh khu vực ĐBSCL tạo ra một khối lượng dưa hàng hoá rất lớn. Ngoài tiêu thụ trong nước, hầu hết dưa hấu được xuất qua Trung Quốc, và do thời gian thu hoạch dưa ngắn, hiện tượng dội chợ là không tránh khỏi.
Câu chuyện cũng tương tự với trái vải thiều. Tỉnh Bắc Giang năm 2014 thu hoạch hơn 191.000 tấn vải, tăng 60.000 tấn so 2013, do nông dân đẩy mạnh diện tích trồng vải từ các năm trước khi giá cao, và chuyện “bán đổ bán tháo” khi thu hoạch rộ là không tránh khỏi. Đầu mùa, trái vải bán tại TP.HCM có thể lên tới 30.000 đồng mỗi ki lô gram, nhưng khi dội hàng, mỗi ki lô chỉ bán được trên dưới 10.000 đồng, cho dù Bắc Giang năm ngoái đã xuất khẩu sang Trung Quốc đến 88.000 tấn.
Hay trái thanh long cũng dựa gần như hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, trong 6 tháng đầu năm 2014 xuất khẩu thanh long của cả nước lên đến 540.000 tấn, riêng Trung Quốc nhập 516.000 tấn. Hội Nông dân Việt Nam cho biết xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc chiếm đến 77% sản lượng, trong khi xuất khẩu sang Mỹ chỉ có 3%, châu Âu 4%, và Nhật Bản 1,5%. Viễn cảnh dội chợ đang ngày càng rõ nét khi các tỉnh ĐBSCL cũng đang “tích cực” mở rộng diện tích trồng thanh long. Riêng hai huyện Châu Thành (Long An) và Chợ Gạo (Tiền Giang) đã có 15.000 héc-ta thanh long, vượt xa quy hoạch.
Tương tự là câu chuyện chôm chôm. Sản lượng mặt hàng này cũng lên tới hàng trăm ngàn tấn. Riêng huyện Long Khánh (Tỉnh Đồng Nai) đã có sản lượng lên đến 90.000 tấn, và Bến Tre cũng có sản lượng tương tự.
Vài con số lược qua nêu trên cho thấy quy mô sản xuất nông sản nói chung và các loại trái cây nói riêng là khá lớn. Doanh thu từ vải thiều đem đến cho Bắc Giang khoảng 2.000 tỉ đồng năm 2014, trong khi xuất khẩu thanh long cũng mang lại cho Bình Thuận khoảng 150 triệu đô la Mỹ, chưa kể doanh số tiêu thụ nội địa.
Quy mô sản xuất khá lớn, nhưng người nông dân hầu như “mù thông tin” về nhu cầu thị trường, cứ lao vào sản xuất bất cứ loại rau quả nào được giá vụ này, bất chấp các cảnh báo về khả năng rớt giá vụ tới. Và câu chuyện “dội chợ rớt giá” cứ tiếp diễn.
Trông người…
Khi Indonesia tạm ngưng nhập khẩu bò sống từ Úc, nghe công ty Trung Đồng (Đồng Nai) đang có ý định nhập khẩu bò sống Úc về mổ thịt, một vị thống đốc bang ở Úc có ngành chăn nuôi bò phát triển đã không ngần ngại mời bà Trương Thị Đồng, Giám đốc Công ty Trung Đồng, cùng chồng sang thăm vùng nuôi bò và đích thân ra tận sân bay đón. Sau chuyến thăm lịch sử có hơi thịt bò này, đến nay Việt Nam mỗi năm nhập gần 200.000 con bò từ Úc, trở thành nước nhập khẩu bò Úc nhiều thứ hai thế giới.
Năm 2010, bà Christine Gregoire, Thống đốc bang Washington (Mỹ), đến Việt Nam và đã để lại dấu ấn cho những người tham dự thấy được cách tiếp thị khoai tây. Bà không ngại đeo tạp dề, cầm gói khoai tây chiên đến tận bàn hỏi chuyện từng người, mời họ ăn. Hoặc chuyện một vị tổng thống phương Tây giữa cơn đại dịch bò điên cách đây vài năm đã không ngần ngại tham gia một buổi vận động tiêu thụ thịt bò bằng cách tham gia chế biến và ăn thử ngay món bít-tết để truyền đi một thông điệp với các nước nhập khẩu rằng thịt bò của nước mình là an toàn.
Nếu thực sự những vị quan chức Việt Nam muốn giúp nông dân thì có lẽ những hành động như trên có lẽ sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn so với cách làm như Bộ Công Thương đã thực hiện tuần qua. Nhưng thực ra, cách làm của các vị lãnh đạo nước ngoài nói trên cũng chỉ là cách xử lý tình huống nhất thời, còn về lâu dài nông sản Việt Nam cần một chiến lược khác.
Và nghĩ về ta
Trong lĩnh vực thương mại, vai trò chủ yếu của Bộ Công Thương là xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường cả xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa. Để làm được điều đó, một yêu cầu quan trọng là nắm bắt thông tin chính xác về nhu cầu của thị trường và khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước để làm cơ sở cho việc sản xuất nội địa. Dĩ nhiên, việc cân bằng giữa cung và cầu là một bài toán rất khó, chưa nói đến việc đạt được cân bằng động do các biến động cả về phía cung (trong sản xuất nông sản, chẳng hạn mất mùa…) lẫn phía cầu (chủ động giảm mua để ép giá, đẩy hàng tồn…).
Tuy nhiên, Bộ Công Thương có thể điều tra, nghiên cứu để nắm bắt một cách tương đối nhu cầu đối với một mặt hàng nào đó qua việc tổng hợp các dữ liệu thống kê hàng năm. Chẳng hạn, cần phải biết được lượng xuất khẩu hàng năm qua Trung Quốc hay các thị trường trọng điểm khác đối với các mặt hàng có khối lượng hàng hóa lớn như dưa hấu, vải, chôm chôm, thanh long,… và cung cấp thông tin cho các cơ quan trong nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) cần phải chung tay bằng cách dựa trên số lượng thống kê về nhu cầu thị trường từ Bộ Công Thương để xác định diện tích canh tác cho từng chủng loại mặt hàng. Qua hệ thống ngành dọc của mình gồm các sở NN-PTNT và các phòng nông nghiệp ở quận, huyện, Bộ NN-PTNT cần phải có những khuyến cáo, cảnh báo kịp thời cho từng vùng, từng địa phương khi diện tích canh tác có xu hướng vượt ngưỡng.
Một thành phần khác có một vai trò khá quan trọng là hội nông dân trung ương và các địa phương, các hiệp hội ngành nghề, và các hợp tác xã. Các tổ chức này cần sát sao với tình hình sản xuất để một mặt tư vấn cho nông dân, và mặt khác đưa ra những kiến nghị chính sách kịp thời.
Cho đến nay, các dữ liệu về nhu cầu thị trường hầu như không có hay không đến được với người nông dân, và họ tiếp tục sản xuất tự phát, theo phong trào trong tình hình “mù thông tin.” Vai trò của hội nông dân và các hiệp hội ngành nghề lại càng mờ nhạt hơn nữa. Ngoại trừ các lãnh vực sản xuất lúa gạo và một số loại cây công nghiệp như hồ tiêu, cà phê…, có lẽ do giá trị xuất khẩu lớn, nên các hiệp hội thường tổ chức điều tra nắm bắt sản lượng và đưa ra khuyến cáo, còn trong những lãnh vực sản xuất khác, người nông dân hoàn toàn tự bơi.
Không thể đòi hỏi nông dân phải nắm bắt đúng được nhu cầu thị trường của cả nước lẫn thế giới được, nếu các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp không chung tay với họ.
Nông dân khi cà phê có giá thì phá cao su, hồ tiêu trồng cà phê; khi cao su, hồ tiêu có giá thì lại phá cà phê để trồng hai thứ này… cứ lẩn quẩn quanh chuyện giá – trồng – chặt.
Chuyện Bộ Công Thương đứng ra mua hàng chục tấn dưa về phân phối lại cho nhân viên của mình hay chuyện chuỗi siêu thị Co.opMart thể hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp qua việc mua dưa hấu hỗ trợ nông dân, như đã nói ở trên, là những động thái đầy tính nhân văn và có thể hoặc cần nhân rộng. Thế nhưng, từ câu chuyện ứng xử với trái dưa hấu, bài toán vẫn đang chờ lời giải, và lời giải ấy phải xuất phát từ những căn cứ khoa học về thị trường. Nếu không, tháng 5 này sẽ bắt đầu mùa chôm chôm, và hai tuần sau đó bắt đầu mùa vải thiều, và không khó để thấy được các hình ảnh ùn tắc, ế ẩm, rớt giá, và đổ cho trâu bò ăn những loại sản phẩm làm ra từ mồ hôi, nước mắt của người nông dân.
Hoàng Sơn – Thái Ngọc