Qua khảo sát, mức độ phổ biến của các
nhãn hiệu nội hoàn toàn lấn át hàng ngoại. Thực tế cho thấy, tính truyền thống
của các nhãn hiệu thực phẩm nội mang lại lợi thế rất lớn nhờ khả năng linh hoạt,
nhạy bén và chế biến hợp khẩu vị của người tiêu dùng trong nước.
Còn theo dự báo của BMI (công ty hàng đầu chuyên cung cấp các thông tin, dịch vụ tài chính như các báo cáo phân tích về quốc gia, ngành kinh tế), ngành công nghiệp thực phẩm chế biến sẵn sẽ tăng 24,2% về lượng và 48,7% về giá trị doanh số bán hàng hằng năm. Nguyên nhân chủ yếu là do cuộc sống bận rộn cùng với lối sống hiện đại ở các thành phố lớn dẫn đến nhu cầu về các loại thực phẩm chế biến sẵn ngày càng gia tăng.
Nắm bắt xu hướng này, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op cho biết, ngay từ khi nhận biết được thị trường này sẽ phát triển, Saigon Co.op đã mạnh dạn đầu tư các trang thiết bị hiện đại cho quầy thực phẩm chế biến sẵn và tuyển đội ngũ nhân viên bán hàng chuyên nghiệp.
Hiện các quầy thực phẩm chế biến sẵn trong chuỗi siêu thị của Co.opmart có đến hơn 100 món ăn với doanh số tăng đều mỗi năm từ 20% trở lên và luôn đứng trong top các ngành hàng có tỷ lệ tăng trưởng cao.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc CTCP Sài Gòn Food (SG Food) cũng cho biết, bắt đầu từ năm 2004, với ưu thế vượt trội về sản phẩm “giá trong nước - tiêu chuẩn xuất khẩu”, thương hiệu SG Food đã được người tiêu dùng ưa chuộng.
Gần đây, trước nhu cầu của thị trường, SG Food đã đầu tư xây dựng thêm một kho lạnh và một nhà máy chế biến để nâng dần tỷ lệ từ 20% lên 50% cho thị trường nội địa vào năm 2020.
Tín hiệu lạc quan đang dần mở ra với các nhà sản xuất thực phẩm chế biến sẵn trong nước do nắm bắt được khẩu vị và tâm lý thưởng thức của người Việt Nam, thực phẩm chế biến sẵn nội địa đang có nhiều hy vọng chiếm lĩnh thị trường.
Công Trí