Trả lời báo chí tại phiên họp báo thường
kỳ Chính phủ chiều nay, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn
Nên cho biết Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất các phương án tăng giá
với mức tăng nằm trong phạm vi 7-10%. Theo quy định hiện hành, Bộ Công Thương sẽ
thẩm định và quyết định có chấp thuận đề nghị tăng giá hay không.
"Bộ Công Thương đang tiến hành kiểm tra, thẩm định phương án giá điện năm 2015 do EVN đề xuất, báo cáo Thủ tướng trong tháng 3", Bộ trưởng cho biết.
Theo nguồn tin của VnExpress, nhiều khả năng phương án tăng với mức cao nhất 9,5% có thể được Bộ Công Thương chấp thuận. Đây cũng là mức điều chỉnh đã được Tập đoàn Điện lực (EVN) đề xuất nhiều lần trong năm 2014. Gần nhất giá điện điều chỉnh tăng là vào ngày 1/8/2013, với mức tăng 5% tương đương 71,85 đồng.
Hồi đầu năm nay 3 phương án điều chỉnh giá điện được cơ quan điều hành đưa ra gồm: 7,5%, 8,5% và 9,5%, trong đó phương án cao nhất nhận được nhiều ý kiến ủng hộ từ bộ, ngành liên quan với lý do phải đưa giá điện tiệm cận thị trường. Theo cơ quan quản lý hiện giá điện đang được bán dưới giá thành và thấp hơn so với các nước khác nên không thể thu hút các nhà đầu tư. Việc tăng giá điện để nhà sản xuất có lợi nhuận là cần thiết. Tuy nhiên, giá bán cần được tính chính xác, công khai và nhất là phải giảm tỷ lệ thất thoát và đi kèm với tăng năng suất lao động của ngành là yêu cầu được các bộ, ngành đặt ra cho EVN.
Trước đó, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, giá điện tăng sẽ tạo nên sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp giúp chi phí sản xuất giảm. Nhà nước không phải bù lỗ và người dân cũng được hưởng lợi.
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh dù báo lãi (khoảng 300 tỷ đồng tại Công ty mẹ) trong năm 2014, lãnh đạo EVN cho rằng tỷ suất lợi nhuận của đơn vị còn thấp và cần bổ sung chi phí vào cơ cấu giá điện năm 2015. Theo nhận định của EVN, năm 2015 tập đoàn phải đối mặt với không ít bất lợi, khi chi phí đầu vào rất lớn từ năm trước chưa được đưa vào giá điện, khiến khoản lỗ vẫn còn trên 16.800 tỷ đồng, trong khi theo yêu cầu của Chính phủ ngành điện nhanh chóng phải xử lý được các khoản lỗ lũy kế. Dù vậy tập đoàn vẫn tiếp tục đề ra mục tiêu kinh doanh điện có lợi nhuận, đầu tư thuần 96.463 tỷ đồng, trả nợ lãi gốc và lãi vay khoảng 30.873 tỷ đồng.
Thành Tâm-Chí Hiếu