Chính sách mới >> Tài chính 30/01/2015 14:41 PM

Hiểu rõ cơ chế tự chứng nhận xuất xứ để XK thuận lợi

30/01/2015 14:41 PM

Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ sẽ cho phép DN được quyền tự khai báo xuất xứ hàng hóa trên hóa đơn thương mại thay cho Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) hiện hành, nhờ đó sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí.

Tại Hội thảo “Tự chứng nhận xuất xứ, kinh nghiệm của các nước và khuyến nghị với Việt Nam” do Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức ngày 29/1 tại TPHCM, bà Bùi Kim Thùy, Phó Trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương) cho rằng vì cơ chế tự chứng nhận xuất xứ sẽ cho phép DN được quyền tự khai báo xuất xứ của hàng hóa trên hóa đơn thương mại hoặc bất kỳ chứng từ nào khác thay cho Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) hiện hành nên ở cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, đối tượng cấp C/O là DN.

Nếu ở cơ chế cấp C/O hiện tại, mặc dù tình trạng gian lận thương mại được hạn chế hơn nhưng các DN sẽ phải xin C/O cho từng chuyến hàng. Các cơ quan cấp C/O xem xét các điều kiện và quyết định về việc hàng hóa đáp ứng tiêu chí xuất xứ thì mới cấp C/O. Do đó, với hệ thống cấp C/O hiện tại, các DN còn bị động về thời gian do chờ cấp C/O lâu.

Trong khi đó, với cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, DN nếu xin giấy phép trong một thời gian nhất định sẽ được tự chứng nhận xuất xứ. DN nào đủ điều kiện tự xác định xuất xứ cho chính hàng hóa của mình sẽ tự phát hành C/O cho hàng hóa của DN mình và có thể chủ động về thời gian phát hành C/O.

Tuy nhiên, ở cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, tình trạng gian lận thương mại dễ có điều kiện phát sinh nên cần phải có chế tài xử phạt nghiêm và có chế độ kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó, với ngành xuất nhập khẩu, xuất xứ là kỹ năng rất quan trọng của DN thương mại. Nếu làm chủ được vấn đề xuất xứ, các nhà sản xuất Việt Nam có thể tận dụng được các Hiệp định thương mại tự do hiện có và sắp ra đời, đồng thời khi DN nỗ lực giải quyết các vấn đề về xuất xứ thì sẽ tiếp cận được các chính sách ưu đãi và mở rộng được hoạt động xuất khẩu.

Do vậy, một trong những tiêu chí hàng đầu để trở thành nhà xuất khẩu được tự chứng nhận xuất xứ là DN phải nắm rất vững kiến thức về C/O.

Theo ông Marius Bordalba, Cố vấn thương mại cao cấp của Dự án EU-MUTRAP, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ sẽ là xu hướng tất yếu của thế giới vì đáp ứng yêu cầu lưu thông hàng hóa trên thị trường toàn cầu một cách nhanh chóng. Vì vậy, để hội nhập các DN Việt Nam cần có những kiến thức và thông tin kịp thời để theo kịp xu hướng. Tuy nhiên, thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ  hàng hóa đòi hỏi DN phải có đủ nguồn lực nhất định. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực của DN, các cơ quan quản lý Nhà nước phải có cơ chế hỗ trợ cho DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ.

Với vai trò của Bộ Công Thương, bà Bùi Kim Thùy cho biết, Bộ sẽ tổ chức các khóa đào tạo huấn luyện cho các DN, đồng thời sẽ tiến hành song song cả 2 cơ chế, vừa cấp C/O hiện tại, vừa áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ.

Thanh Thủy

Theo Chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,102

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079