Chính sách mới >> Tài chính 13/03/2015 14:14 PM

Điện, xăng tăng giá: Giá hàng hóa sẽ tăng bao nhiêu?

13/03/2015 14:14 PM

Điện, xăng tăng giá song doanh nghiệp chưa thể tăng giá sản phẩm theo, phải chấp nhận giảm lợi nhuận, cố gắng cầm cự.

Tình hình sức mua trong năm qua ì ạch. Dịp tết vừa rồi dù sức mua có phần tăng trưởng, song nhìn chung thị trường vẫn chưa có gì khởi sắc. Điều này đã được các doanh nghiệp (DN) dự báo và hy vọng trong năm tới tình hình khả quan hơn. Tuy nhiên, giá xăng vừa tăng cùng giá điện sẽ tăng vào ngày 16-3 như cú sốc với DN. Chi phí đầu vào tăng theo giá xăng, điện nhưng DN không dám tăng giá.

Chi phí tăng chóng mặt

“Mặc dù giá xăng, dầu giảm liên tục trong nửa năm 2014 nhưng qua đến năm 2015, một số nguyên liệu đầu vào mới giảm một chút, còn các chi phí khác đều đứng yên. DN, người tiêu dùng chưa kịp mừng thì giá xăng lại tăng cùng với giá điện sẽ tăng (gần 10%). Các chi phí sản xuất của DN tăng, sức mua thị trường thấp, cạnh tranh nhiều, DN sẽ rất khó khăn” - ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty Minh Long Hưng, chia sẻ.

Theo ông Sinh, chi phí xăng dầu, điện của công ty một tháng khoảng 130 triệu đồng, nếu giá điện tăng thêm thì chi phí đội lên khoảng 150 triệu đồng. “Năm 2015, công ty muốn tồn tại phải đầu tư nhiều. Mà đầu tư phải vay vốn, lãi suất dài hạn 9%-13%/năm đâu có dễ vay. Tôi chỉ lo tuần sau khi nhập lô hàng nguyên phụ liệu mới vào giá sẽ nhảy lên” - ông Sinh lo lắng dự báo.

“Giá đường nhích lên 1.000 đồng/kg là đã khó bán rồi, giờ xăng, điện tăng giá nữa, hàng hóa sẽ tăng giá theo, buôn bán càng khó xoay trở” - chị Quỳnh Như, quầy chạp phô chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận 3), lo lắng. Ảnh: TÚ UYÊN

Còn bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Food, cho biết đối với ngành đông lạnh, sử dụng điện nhiều nên giá điện tăng, chi phí đội lên cả 100 triệu đồng, cả năm ngốn thêm 1,2 tỉ đồng. Chưa kể các vật tư, nguyên liệu khác cũng sẽ tăng giá theo trong nay mai.

Trong khi đó, ghi nhận tại một số chợ cho thấy các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, nước tương, bột nêm… giá vẫn ổn định. “Buôn bán rất khó khăn, khách đến chợ mua sắm thưa thớt. Giá xăng tăng thì trước sau gì hàng hóa cũng tăng nên càng khó buôn bán hơn” - chị Quỳnh Như, tiểu thương quầy chạp phô chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận 3), than.

Rau củ quả giá tăng nhẹ. Đậu cô ve 30.000 đồng/kg, bông cải xanh Đà Lạt 45.000 đồng/kg, bí 18.000 đồng/kg. Các tiểu thương cho biết những mặt hàng này phụ thuộc vào thời tiết, nguồn hàng, giá xăng không ảnh hưởng nhiều đến giá thành.

Cắn răng không tăng giá

Ông Dương Duy Việt, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Nhật Tiến (sản xuất bao bì nhựa), cho biết do giá nguyên liệu trong năm qua giảm 20%, trước tết công ty đã hạ giá sản phẩm với mức giảm tương đương. Điện, xăng tăng nhưng công ty không thể tăng giá sản phẩm liền khi vừa thực hiện chương trình giảm giá.

Theo ông Việt, chờ một, hai tháng sau khi nhập hàng mới vào xem thử giá có tăng không thì lúc đó mới tính toán được. Thường giá nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 5%-10%, giá thành cũng tăng 10%.

Bà Lâm cho rằng DN phải tìm cách giảm giá, kích cầu sức mua chứ chuyện tăng giá sau tết thường không ai làm. Muốn tăng giá phải cân nhắc kỹ, chờ nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển… có tăng hay không.

Cùng ý kiến trên, ông Đỗ Phan Thanh Bảo, Giám đốc marketing Công ty Cổ phần Thực phẩm và Nước giải khát Dona Newtower, cho hay khi nào giá điện chính thức tăng thì DN sẽ có kế hoạch.

Ông Bảo thông tin thêm, nếu DN nào trong năm 2014 đã tăng giá sản phẩm thì đợt này chưa tăng được (công ty đã tăng giá 7%-15% giữa năm 2014 do chi phí cước vận tải tăng). Đến cuối năm 2015 mới tính đến chuyện tăng giá.

Ông Lương Vạn Vinh, Giám đốc Công ty Cổ phần Mỹ Hảo, cho rằng hiện hàng hóa các nước tràn vào, người dân cũng chuộng hàng ngoại hơn. Sản phẩm tương đương hàng ngoại, nếu giá của mình cao hơn dù chỉ 1.000 đồng cũng không dễ bán. Do vậy điện, xăng tăng DN cũng không dám và chưa thể tăng giá được, phải chấp nhận giảm lợi nhuận, cố gắng cầm cự đến một lúc nào đó không chịu được nữa mới tính tiếp.

Một số DN lo ngại làm sao để DN Việt tồn tại, phát triển mạnh lên chứ dưới sức ép cạnh tranh, nếu không chịu nổi DN Việt sẽ bán hết cho các tập đoàn nước ngoài.

Siêu thị đã nhận thông báo tăng giá

Đại diện siêu thị Lotte Mart cho biết ngày 5-3, siêu thị nhận được thông báo tăng giá từ nhà cung cấp P&G về việc tăng tất cả mặt hàng hóa mỹ phẩm 3%-7%. Phía nhà cung cấp mong muốn mức giá điều chỉnh có hiệu lực từ ngày 1-4. Siêu thị Lotte Mart cũng nhận được thông báo từ nhà cung cấp DKSH về việc điểu chỉnh giá sản phẩm nhang đuổi muỗi JUMBO, chất tẩy rửa Green Cross…

Nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, siêu thị vẫn đang đàm phán với nhà cung cấp để mang đến giá cả tốt nhất cho khách hàng.

Tại một số chợ giá bao bì đã tăng 1.000-2.000 đồng/kg.

______________________________________

Khi giá điện tăng, chắc chắn DN trong nước gặp khó khăn vì chi phí sản xuất cao, NTD cũng tiết kiệm, sức mua giảm nên càng ảnh hưởng đến DN. Việt Nam đang hướng đến nền kinh tế thị trường đầy đủ, DN cũng phải “chơi” theo chứ không thể để bao cấp hoài được. Hiện nay giá điện Việt Nam thấp so với khu vực nên DN có vốn đầu tư nước ngoài có lợi. Khi giá điện cao sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư vào ngành điện, lúc đó cạnh tranh bình đẳng hơn.

Ông PHẠM NGỌC HƯNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM

TÚ UYÊN

Theo Pháp luật TP.HCM

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,671

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079