Xăng E5 đã được bán nhiều hơn trong năm 2014. Ảnh:TL |
Tại cuộc họp về cơ chế giá đối với xăng E5, Thủ tướng Chính phủ có giao Bộ Tài chính "Điều chỉnh thuế xuất khẩu cồn ethanol và sắn lát nguyên liệu theo hướng khuyến khích sử dụng trong nước, góp phần bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học". Vì thế gần đây bộ này đã đề xuất tăng thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng sắn lát từ 0% lên 5% và ethanol từ 0% lên 3%.
Theo tính toán của của Bộ Tài chính, đối với mặt hàng sắn lát, giá thu mua là 4,3 triệu đồng/tấn, giá xuất khẩu khoảng 4,867 triệu đồng/tấn (227,5 đô la Mỹ/tấn), nếu thuế xuất khẩu là 0% doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được lãi khoảng 567.500 đồng/tấn.
Sắn lát là nguyên liệu chính để sản xuất cồn ethanol. Theo Bộ Tài chính, hiện ngành sản xuất ethanol đang gặp khó khăn do giá nguyên liệu cao, các nhà máy ethanol phải cạnh tranh về giá với thương nhân mua sắn để xuất sang Trung Quốc.
Nếu điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu mặt hàng sắn lát từ 0% lên 3%, doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu thêm khoản thuế xuất khẩu 146.027 đồng/tấn và nếu giá xuất khẩu giữ nguyên thì doanh nghiệp xuất khẩu vẫn có lãi 421.543 đồng/tấn. Còn nếu tăng thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng sắn lát từ 0% lên 5%, số lãi doanh nghiệp xuất khẩu vẫn có thể có là 324.192 đồng/tấn. Từ tính toán như vậy, để đảm bảo nhu cầu về nguồn nguyên liệu sắn cho sản xuất ethanol, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu mặt hàng sắn lát (nhóm 0714) từ 0% lên 5%.
Theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ban hành Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, từ ngày 1-12-2014, xăng sinh học E5 sẽ được sản xuất để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tại 7 địa phương: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu và sẽ chính thức sử dụng rộng rãi trên toàn quốc từ 1-12-2015. |
Bộ này cho rằng, việc điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu hai mặt hàng nói trên như đề xuất đảm bảo phù hợp với quy định về khung thuế suất thuế xuất khẩu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên để có thêm cơ sở xây dựng phương án điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu hai mặt hàng này, Bộ Tài chính đề nghị các bộ ngành, hiệp hội có ý kiến thêm.
Xăng sinh học E5 hiện đang được Chính phủ khuyến khích sử dụng. Do đó, Văn phòng Chính phủ cuối tháng 1 rồi có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về cơ chế giá đối với xăng E5 đó là Thủ tướng đồng ý áp dụng trong năm 2015 biện pháp trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 thấp hơn đối với xăng khoáng RON 92 để tạo chênh lệch giá bán xăng E5 thấp hơn so với giá bán xăng khoáng RON 92 từ 300 đồng/lít đến 500 đồng/lít nhằm khuyến khích sử dụng xăng E5.
Sản phẩm cồn ethanol (etilich nồng độ trên 99% tính theo thể tích) được sản xuất chủ yếu từ sắn, theo Bộ Tài chính hiện hầu hết các nhà máy ethanol có công suất lớn, mới xây dựng đều sử dụng sắn làm nguyên liệu để sản xuất.
Tính đến cuối năm 2013, Việt Nam có các nhà máy ethanol với công suất lớn là Nhà máy cồn Đồng Xanh (Quảng Nam) 120 triệu lít/năm; Nhà máy cồn Tùng Lâm (Đồng Nai) 72 triệu lít/năm; Nhà máy cồn Bình Phước (Bình Phước) 100 triệu lít/năm; Nhà máy cồn Dung Quất (Quảng Ngãi) 100 triệu lít/năm; Nhà máy cồn Đắc Tô (Kon Tum) 72 triệu lít/năm; Nhà máy cồn Đắc Nông (Đắk Nông) 45 triệu lít/năm; nhà máy cồn Phú Thọ 100 triệu lít/năm (đang xây dựng).
Nếu các nhà máy này hoạt động hết công suất để sản xuất cồn nhiên liệu thì sản lượng ethanol có thể đạt khoảng 500 triệu lít, pha được khoảng 10 tỉ lít xăng E5 hoặc khoảng 5 tỉ lít xăng E10.
Nhưng theo bộ này thực tế, nguồn nguyên liệu đang là một rào cản đối với hoạt động sản xuất cồn ethanol của các nhà máy này. Điều này dẫn đến các nhà máy phải hoạt động cầm chừng.
Bởi lẽ theo Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam, tổng diện tích canh tác sắn - nguyên liệu chủ yếu để sản xuất cồn ethanol - của Việt Nam khoảng 450.000 ha, hàng năm sản lượng thu được là 9,5 triệu tấn củ tươi, từ đó chế biến được khoảng 3 triệu tấn sắn khô để dùng làm thức ăn gia súc, xuất khẩu sang Trung Quốc và nguyên liệu cho sản xuất cồn.
Khối lượng nhập khẩu mặt hàng sắn năm 2014 là 1,042 triệu tấn, còn khối lượng xuất khẩu mặt hàng này năm 2014 gần 2 triệu tấn.
Một số doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu sắn cho hay, giá thu mua vào khoảng 4.300 đồng/kg (bao gồm cả chi phí bốc xếp, khử trùng, cảng, chưa kể chi phí lãi vay, hao hụt) tương đương 4,3 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá xuất khẩu sắn lát trung bình năm 2013 và 2014 trên 4,86 triệu đồng/tấn.
Hùng Lê