Hà Nội - Lào Cai là một trong những dự án cao tốc sẽ được chào bán nhằm có thêm vốn để đầu tư tiếp các dự án cao tốc khác. Ảnh: MINH KHUÊ |
Khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tuyên bố sẽ đẩy mạnh việc bán các dự án hạ tầng để đầu tư vào hạ tầng, xem đó như giải pháp mạnh thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông, người ta dễ có suy nghĩ: việc bán tài sản nhà nước đã chính thức bắt đầu? Liệu việc này có diễn ra suôn sẻ được không? Theo cách nào? Đã làm bao giờ chưa? Liệu có thành công không? Hay ít nhất là làm thế nào để tránh bán rẻ tài sản nhà nước.
Ở đây không đề cập đến việc bán trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước, được thí điểm ở một số địa phương nhiều năm nay nhằm có thêm tiền để địa phương xây trụ sở mới. Việc bán các tài sản nhà nước (TSNN) nói chung, đã có Luật Quản lý, sử dụng TSNN (2008) điều chỉnh. Theo đó, việc chuyển giao quyền sở hữu TSNN cho tổ chức, cá nhân để nhận khoản tiền tương ứng được thực hiện công khai, theo cơ chế thị trường, được thực hiện theo phân cấp của Chính phủ.
Tuy nhiên, việc bán các dự án hạ tầng (chuyển giao quyền sở hữu) tính đến thời điểm này không có. Chính phủ chỉ cho phép khởi động dưới hai hình thức: bán quyền khai thác các dự án và bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước trong quá trình cổ phần hóa. Việc bán toàn bộ vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp có kèm theo quyền được phép thuê dài hạn các tài sản nhà nước sẵn có tại doanh nghiệp.
Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đã quy định là việc bán tài sản nhà nước phải thực hiện công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường. |
Ví dụ, trong lĩnh vực đường bộ, tại dự án quốc lộ 5 Hà Nội- Hải Phòng mà Tổng công ty Phát triển đầu tư hạ tầng và tài chính Việt Nam (VIDIFI) là chủ đầu tư đã bán 70% cổ phần cho nhóm các nhà đầu tư Ấn Độ, dẫn đầu là IL & FS Transportation Networks Limited. Theo hợp đồng ghi nhớ đã ký giữa hai bên (tháng 10-2014) thì sau cuộc mua bán này, sẽ thành lập một pháp nhân mới để tiếp nhận, vận hành và khai thác dự án.
Sau dự án này, hàng loạt dự án đường bộ khác đã được Nhà nước đầu tư như cao tốc Hà Nội - Lào Cai, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Bến Lức - Long Thành, Đà Nẵng - Quảng Ngãi cũng sẽ được chào bán khi đã xây dựng xong hoặc đang trong quá trình xây dựng nhằm có thêm vốn để đầu tư tiếp các dự án cao tốc khác.
Trong lĩnh vực hàng hải, đến nay Nhà nước đã dùng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản đầu tư xây dựng cảng quốc tế Thị Vải. Hồi tháng 3-2014, Cục Hàng hải đã ký hợp đồng cho liên danh cảng Sài Gòn - PTSC - PM - Commodities thuê khai thác với thời hạn 30 năm với giá cố định khoảng hơn 130 triệu đô la Mỹ.
Trước đó, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng đã thuê lại của Nhà nước quyền khai thác cảng container quốc tế Cái Mép, cũng với thời hạn 30 năm, qua một cuộc đấu thầu. Việc cho thuê này giúp Nhà nước có tiền hoàn trả vốn đầu tư và nâng cao hiệu quả khai thác, thay vì tự Nhà nước phải làm từ quản lý, đầu tư, khai thác, kinh doanh. Ở phía Bắc, bến cảng số 2, 3, 4 tại cảng quốc tế Cái Lân cũng được Cục Hàng hải cho cảng Quảng Ninh thuê khai thác với thời gian dài.
Và sắp tới, cảng Hải Phòng, Quảng Ninh hay cảng Sài Gòn sẽ được bán. Tuy nhiên, việc mua bán này diễn ra theo hình thức khác là bán doanh nghiệp kèm quyền khai thác, không phải bán riêng quyền khai thác đã nêu ở trên.
Trong lĩnh vực hàng không, Bộ GTVT đã bắt đầu kêu gọi nhà đầu tư vào mua quyền khai thác nhà ga T1 Nội Bài, cảng hàng không Phú Quốc để có tiền xây sân bay mới. Tuy nhiên, trong lĩnh vực đường sắt thì chưa có dự án nào đã được rao bán hoặc chuyển nhượng thành công.
Ở hình thức mua-bán doanh nghiệp để có quyền khai thác các dự án hạ tầng, là các trường hợp thoái toàn bộ vốn nhà nước tại cảng Quảng Ninh và sắp tới có thể là cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn.
Nhìn chung, tính đến nay, luật pháp Việt Nam chưa cho phép chuyển quyền sở hữu chính thức các dự án hạ tầng, bởi Hiến pháp và Luật Đất đai đều quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Các dự án hạ tầng được “mua-bán” dưới hình thức chuyển quyền khai thác, cho thuê lại tài sản hoặc cho thuê tài sản gắn liền với đất… song dù là dưới hình thức nào cũng là sự thoái lui của Nhà nước khỏi vai trò kinh doanh, để tạo sự cạnh tranh trên thị trường.
Dựa vào đâu để bán?
Việc bán cổ phần, bán quyền khai thác đang có xu hướng diễn ra trên diện rộng. Nhưng đến nay mới chỉ có lĩnh vực hàng hải là có Nghị định 21/2012 về quản lý cảng biển và luồng hàng hải, trong đó quy định cụ thể việc bán quyền khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển (từng phần hoặc toàn bộ).
Ở lĩnh vực đường bộ thì có Nghị định 108/2009 và Quyết định 71/2010 của Chính phủ áp dụng cho các dự án PPP (hợp tác công -tư) song còn một số hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ở lĩnh vực hàng không, Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết: đến năm 2016 về cơ bản sẽ hoàn thành công tác sửa đổi, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý khuyến khích, kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không. Do đó, việc bán cảng hàng không Phú Quốc, nhà ga T1 Nội Bài hay sắp tới là cảng hàng không Đà Nẵng… đều được gọi chung là bán thí điểm.
Bộ GTVT cho biết, nghị định đấu thầu chọn nhà đầu tư, chính sách phí chưa hoàn thiện, chưa có mức phí đường cao tốc, phí cho các lĩnh vực đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không, hàng hải. Nói khác đi là chưa có hành lang pháp lý chung nên việc đàm phán chuyển nhượng, bán quyền khai thác các dự án phải đàm phán riêng lẻ. Các nhà đầu tư lo lắng: dự án trước được chuyển nhượng như thế, nhưng dự án sau có theo cách đó không?
Làm thế nào để không bán rẻ TSNN?
Câu hỏi này luôn được đặt ra trước khi công bố sẽ bán quyền khai thác cho nhà đầu tư, nhất là trong điều kiện khung pháp lý cho từng loại hạ tầng chưa có hoặc có thì chưa thống nhất. Làm thế nào để tránh lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong các quyết định cuối cùng, khi số lượng nhà đầu tư xuất hiện ở mỗi dự án được chuyển nhượng không phải đơn lẻ?
Luật Quản lý, sử dụng TSNN đã quy định là việc bán TSNN phải thực hiện công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường. Chính vì vậy, một lãnh đạo Bộ GTVT nói rằng tất cả các TSNN cần được tư vấn, thẩm định giá, công bố công khai bởi một đơn vị thẩm định giá độc lập nên không ngại chuyện định giá cao hay thấp. Bản thân nhà đầu tư khi đề xuất mua dự án cũng có nghiên cứu, tính toán đầy đủ giá trị dự án, rủi ro cũng như lợi nhuận, không phải Nhà nước cứ mời chào là được.
Sau quá trình định giá, cơ quan chủ quản hay chủ đầu tư dự án sẽ quyết định phương thức bán: thỏa thuận, đấu giá công khai hay trường hợp cá biệt thì trình lên Thủ tướng quyết định. Cách nào cũng là cân nhắc lợi ích của Nhà nước - nhà đầu tư, làm sao để sử dụng TSNNN vừa hiệu quả, vừa tạo ra được luồng tiền để tái đầu tư vào các dự án khác.
Có một vấn đề trước mắt là tại một số dự án cảng biển và có thể sắp tới là một số cảng hàng không, theo các quyết định, đề án hiện hành thì tỷ lệ vốn nhà nước tại đây sau cổ phần hóa còn lớn, từ 65-75%, song các nhà đầu tư lại muốn mua hết phần vốn nhà nước. Đề nghị này đã được gửi đến Chính phủ và Bộ GTVT.
Ngọc Lan