Nợ công đã cao nhưng vẫn phải tiếp tục vay - Bộ TC khẳng định. Ảnh Tư Giang. |
“Do đó, nợ công có quy mô lớn là điều không thể tránh khỏi,” ông nói.
Báo cáo của Bộ cho biết, năm 2014 đã huy động 627.800 tỉ đồng, trong đó trên 98% vốn vay được sử dụng cho các dự án hạ tầng.
Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2013 là 15,2%; 2014 là 13,8%; 2015 là 16,1%.
Ông khẳng định, tỷ lệ này vẫn dưới ngưỡng quy định 25% của Chiến lược nợ công.
Tuy nhiên, theo một báo cáo của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội mới đây, tỷ lệ trả nợ và viện trợ của Chính phủ năm nay đã lên tới 31% thu ngân sách, tức vượt ngưỡng cho phép.
Giải đáp thắc mắc này của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Ông Nguyễn Minh Tân, phó vụ trưởng Vụ ngân sách nhà nước khẳng định tỷ lệ bố trí chi trả nợ vẫn đảm bảo mức nhỏ hơn 25% thu ngân sách, như trong Chiến lược nợ công.
“Tôi sẽ kiểm tra lại con số 31% này”, ông Tân cam kết.
Về điều này, ông Long giải thích thêm, tỷ lệ 31% này bao gồm cả số Chính phủ vay về cho vay lại. Có tới 60% khoản vay đưa vào ngân sách, 40% cho vay lại. “Các chủ đầu tư được vay lại có trách nhiệm trả nợ, số trả nợ này không đưa vào ngân sách mà được kiểm soát trong danh mục nợ chính phủ, không phải là nợ trả trực tiếp từ ngân sách”, ông Long nói.
Ông khẳng định Việt Nam chưa bao giờ chậm trễ trong việc chi trả nợ cả gốc lẫn lãi.
Ông cho biết thêm trong cơ cấu nợ chính phủ hiện nay, 80% được trả bằng đồng Việt Nam, và 20% còn lại là bằng đô la Mỹ.
Ngân sách nhà nước hiện nay đang trong giai đoạn rất căng thẳng.
Chỉ riêng trong năm nay, Chính phủ phải trả nợ trái phiếu số tiền lên đến 135.000 tỉ đồng trong bối cảnh khó phát hành thêm trái phiếu, theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đầu tuần này.
Bên cạnh đó, năm 2013 bội chi ngân sách đã vọt lên tới 6,6% GDP, cao hơn rất nhiều so với mức trần là 5,3% GDP. Năm 2014, thu ngân sách vượt tới 80.000 tỉ đồng, song số tiền này cũng đã chi tiêu hết.
Tư Giang